Phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội

Thứ bảy, ngày 04/08/2018

(BDO) Hiện nay, lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN) đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, trong đó có sự góp sức lớn của đội ngũ trí thức làm công tác KHCN. Và với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) thì vai trò của đội ngũ trí thức KHCN càng được nâng cao.


Các cơ sở giáo dục sẽ góp phần tạo ra nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong ảnh: Mô hình cánh tay robot gắp sản phẩm dùng vi điều khiển của sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh: HOÀNG PHẠM

“Đầu tàu” nghiên cứu, chuyển giao KHCN

Theo đánh giá của Sở KHCN, thời gian qua, đội ngũ trí thức trong tỉnh đã tích cực tham mưu và thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, y tế, giáo dục… Bộ phận trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở KHCN, cho biết những năm qua, lực lượng trí thức tỉnh nhà đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, chuyển giao KHCN vào sản xuất và đời sống; có nhiều kết quả nghiên cứu có tính thực tiễn và phát huy hiệu quả khi áp dụng vào quản lý, sản xuất. Có thể kể đến những kết quả điển hình như ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác phòng chống lụt bão và ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Bình Dương; nghiên cứu thiết kế, chế tạo lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nung một lần lửa các sản phẩm gốm sứ… Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục trong tỉnh cũng từng bước khẳng định vai trò của tri thức trong việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống.

Theo ông Hoàng Trọng Quyền, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một, với đề tài giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, trường đã thực hiện 11 đề tài cấp tỉnh, 30 đề tài cấp trường đề cấp đến nhiều vấn đề khoa học, thực tiễn của tỉnh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Về lĩnh vực KHCN, trường đã nghiên cứu các đề tài về hóa học, công nghiệp thực phẩm, công nghệ sinh học, khoa học môi trường…

Ông Nguyễn Xuân Ngàn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, cho biết để thu hút tri thức trong và ngoài tỉnh tăng cường nghiên cứu KHCN, thường niên 2 năm đơn vị tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương. Qua 7 lần tổ chức hội thi, đã có nhiều giải pháp KHCN có tính sáng tạo, hiệu quả trong sản xuất được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh trao giải và phát huy được hiệu quả trong sản xuất, trong đó có nhiều giải pháp giải quyết một số vấn đề bức xúc về kinh tế - kỹ thuật mà tỉnh đang cần.

Vai trò then chốt của CMCN 4.0

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 phát triển mạnh như hiện nay và Bình Dương đang tiến hành xây dựng thành phố thông minh, cùng với phát triển công nghệ thì vai trò con người là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng thành phố thông minh. Ông Phước cho rằng, cuộc cách mạng KHCN hiện nay đã đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho đội ngũ trí thức, đòi hỏi mỗi trí thức phải ý thức sâu sắc vị trí, vai trò của mình, vừa tiếp bước truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước vừa phải nâng tầm để theo kịp xu thế của thời đại. Đội ngũ trí thức phải tích cực học tập, đổi mới tư duy, nhanh nhạy tiếp thu các thành tựu kỹ thuật mới, say mê nghiên cứu, tìm tòi để có nhiều sáng kiến áp dụng vào sản xuất, kinh doanh và thực tiễn đời sống. Ngoài lực lượng trí thức tại viện nghiên cứu, các doanh nghiệp… các cơ sở giáo dục cũng sẽ góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ kỹ năng cần thiết, năng động, sáng tạo.

“Hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đang lan tỏa sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực thì vai trò con người là yếu tố cốt lõi trong việc quyết định hàm lượng thông minh trong các yếu tố khác như công nghệ, môi trường, giao thông, dịch vụ… Chính vì vậy, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, cũng như nghiên cứu khoa học của nhà trường là tập trung mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ”, ông Quyền nói.

Ông Ngàn cho biết thêm, ngoài các giải pháp trong lĩnh vực sản xuất, y tế, giáo dục, môi trường… các giải pháp ứng dụng CMCN 4.0 tham dự hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh cũng được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh quan tâm và chọn lọc để triển khai trong thời gian tới. Điển hình như giải pháp ứng dụng IOT trồng rau sạch trong nhà của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Sỹ (trường Đại học Quốc tế Miền Đông) đạt giải nhì tại hội thi lần VII. Giải pháp này sẽ được cơ quan chức năng hỗ trợ hoàn thiện và có kế hoạch áp dụng vào thực tiễn vào sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp đô thị (nông nghiệp 4.0) trên địa bàn tỉnh.

HOÀNG PHẠM