Phát huy vai trò của người đứng đầu trong đổi mới cải cách thủ tục hành chính
(BDO) Ngày 16-10, Tổ công tác cải cách thủ thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức phiên họp thứ 2 trực tuyến với các địa phương, nhằm đánh giá tình hình và kết quả thực hiện đổi mới cải cách TTHC. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp. Tại điểm cầu Bình Dương, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã tham dự.
Ông Nguyễn Văn Dành phát biểu tại phiên họp
Báo cáo tại phiên họp cho biết, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC, trong đó có 37/76 cơ quan, đơn vị (chiếm tỷ lệ 48,6%) đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật. Hiện, 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành cho biết, Bình Dương có 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4. Từ ngày 1-6-2023, đã chuyển đổi thành DVCTT toàn trình, một phần, dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy trên địa bàn tỉnh từ ngày 1-6-2023.
Cụ thể có 697 DVCTT toàn trình (36,82%), 692 DVCTT một phần (36,56%), 504 dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến (26,62%) và 731 DVCTT đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy (chiếm 37%).
Đến nay, tổng số DVCTT 1.586/1.890 (83,91%), trong đó 756/1890 DVCTT toàn trình (40%), 830/1890 DVCTT một phần (43,91%). Hiện còn 304/1890 dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến (16,09%).
Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu Bình Dương
Ông Nguyễn Văn Dành cho rằng, công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số của Bình Dương đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một số chỉ số đạt mức thấp so bình diện chung cả nước. Nhằm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm và tăng tốc, quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, ngày 10-8-2023, tỉnh Bình Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 và xây dựng thành phố thông minh Bình Dương để tăng cường công tác chỉ đạo, kết nối các nhiệm vụ, xác định nhiệm vụ trọng tâm, theo chốt, ưu tiên, làm đòn bẩy và thống nhất các nguồn lực đầu tư, tài chính, trang thiết bị… phấn đấu đạt kết quả các Chỉ số chỉ đạo điều hành (CCHC, DTI, PAPI, PCI) thuộc top 10 cả nước.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, công tác đổi mới cải cách TTHC đạt được kết quả bước đầu. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới cải cách TTHC; từng cấp, từng ngành xem đây là việc quan trọng, là xu thế của tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu, nơi nào người đứng đầu quan tâm thì công tác cái cách TTHC nơi đó triển khai tốt và ngược lại.
HỒ VĂN