Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
(BDO)
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TIỂU MY
Tại Diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” vừa diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND các tỉnh, thành, trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) tổ chức, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển vùng.
Liên kết vùng cần gắn sự kết nối của doanh nghiệp
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đánh giá vùng KTTĐPN là vùng kinh tế đầu tàu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển cả nước. Song hiện nay, vùng đang đối mặt thách thức tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước. Những lợi thế của vùng chưa được phát huy đầy đủ nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng; kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, kết nối chưa đồng bộ; cơ chế, chính sách phát triển vùng còn chưa hoàn thiện, thiếu đột phá cần thiết…
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, phải tạo cơ hội cho chính các doanh nghiệp; hiệp hội doanh nghiệp là phía đề xuất, là trung tâm kết nối doanh nghiệp vùng. Còn xác định phát triển công nghệ thế nào, logistics thế nào… chính doanh nghiệp phải là phía đề xuất.
Từ góc độ địa phương, ông Trần Thanh Liêm cho biết vùng KTTĐPN đã và đang phát huy lợi thế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành trong vùng. Để đạt được những kết quả nói trên, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền các tỉnh, thành phố, cần phải kể đến sự gắn kết của cộng đồng doanh nghiệp trong vùng. Kết nối kinh tế, liên kết vùng về bản chất cuối cùng vẫn là sự kết nối của doanh nghiệp. Chính quyền các cấp tạo ra không gian kết nối, tạo ra cơ sở hạ tầng cho sự kết nối và xây dựng cơ chế để thúc đẩy, còn hành động cụ thể là của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là động lực của sự phát triển, liên kết.
Phát huy vai trò của doanh nghiệp
Tại diễn đàn, ông Trần Thanh Liêm cũng thẳng thắn nhìn nhận những điểm nghẽn trong thực hiện liên kết vùng, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, như kết nối hạ tầng giao thông, vận tải còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy giao thông hàng hóa giữa các địa phương trong vùng.
“Trong vùng KTTĐPN chưa hình thành được các trung tâm logistics, cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa của vùng. Bên cạnh đó, các tuyến đường liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế chưa hoàn chỉnh. Cùng với đó, tình trạng quá tải diễn ra trong giao thông đô thị, một số tuyến quốc lộ, thậm chí cảng hàng không, cảng biển... gây điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Trong khi đó, Trung ương chưa có cơ chế về nguồn lực cho vùng mà phân bổ cho từng địa phương. Do đó, những khó khăn về nguồn lực, cơ chế chia sẻ lợi ích, trách nhiệm chưa rõ ràng đã làm chậm tiến độ, cản trở việc triển khai các dự án liên kết vùng”, ông Liêm nói.
Cũng theo ông Liêm, chất lượng nguồn nhân lực trong vùng dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu lao động, mất cân đối cung cầu trong phân bổ nguồn lao động. Việc tỷ lệ người nhập cư, tỷ lệ tăng dân số cơ học cao tại vùng đã gây ra tình trạng quá tải cho hệ thống cơ sở hạ tầng, nguy cơ ô nhiễm môi trường, cung cấp và tiêu thoát nước của các tỉnh, thành trong vùng, đặc biệt là ở các đô thị và khu công nghiệp. Hiện vùng chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về các ngành, lĩnh vực ưu tiên liên kết vùng, do đó chưa hỗ trợ được việc lựa chọn các dự án liên kết vùng cũng như đánh giá quá trình và hiệu quả của các hoạt động liên kết…
Ông Liêm cũng đã đề xuất một số giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong phát triển vùng KTTĐPN thời gian tới. Thứ nhất, các tỉnh, thành trong vùng cần tiếp tục kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và giao thương hàng hóa. Các địa phương cần quan tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro; khuyến khích và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong mọi ngành, lĩnh vực, địa phương; xóa bỏ rào cản tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực xã hội, các yếu tố sản xuất, cơ hội kinh doanh, tham gia thị trường… Bên cạnh đó, các địa phương cần ban hành chính sách phát triển hoạt động kinh doanh theo chuỗi giá trị theo từng ngành; hợp tác, liên kết phát triển mạng lưới giữa các ngành, giữa các vùng kinh tế để nâng cao năng lực, lợi thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Thứ hai, các địa phương trong vùng KTTĐPN kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của vùng, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong vùng, kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng. Cùng với đó, Chính phủ cần xây dựng cơ chế phát huy nguồn lực doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho vùng, trong đó tiên quyết là hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp - đô thị.
Thứ ba, các địa phương trong vùng cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao để mở rộng thị trường, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu nhân lực các tỉnh, thành phố trong vùng với cả nước, khu vực và quốc tế.
Thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của các tỉnh, thành phố trong vùng, các ngành kinh tế, các lĩnh vực - xã hội; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, dự án lớn trên địa bàn để phục vụ xây dựng và điều phối các hoạt động liên kết vùng. Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
TIỂU MY