Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, chăm lo tốt gia đình chính sách
(BDO) Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, công tác chăm lo gia đình chính sách trong những năm gần đây luôn được TX.Tân Uyên quan tâm thực hiện. Bên cạnh nguồn kinh phí của các cấp, công tác xã hội hóa chăm lo gia đình chính sách đã phát huy hiệu quả. Địa phương này không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách, thay vào đó là các hộ khá, giàu; đời sống tinh thần các hộ gia đình ngày càng được nâng cao.
Công tác chăm lo cuộc sống cho các gia đình chính sách luôn được TX.Tân Uyên chú trọng thực hiện
Tạo điều kiện phát triển kinh tế
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi theo chân các cán bộ của TX.Tân Uyên đến thăm hộ gia đình chính sách Nguyễn Văn Sáng ở khu phố 3, phường Uyên Hưng. Một căn nhà khang trang nằm trên mặt tiền con đường rộng, đầy đủ tiện nghi hiện ra trước mắt chúng tôi. Cũng đúng lúc này, ông Sáng vừa đỗ chiếc ô tô màu trắng bóng loáng ngay trước cửa nhà. “Xe chú mới mua, cũng vài trăm triệu thôi, làm phương tiện đi lại cho bớt nhọc. Bây giờ đời sống phát triển hơn trước rồi, phải nâng chất đời sống tinh thần chứ”, ông Sáng tươi cười nói khi chào hỏi mọi người.
Năm 1970, khi vừa tròn 16 tuổi, tình hình kháng chiến tại Chiến khu Đ rất khốc liệt, ông Sáng theo cha mẹ và các anh vào ở hẳn trong chiến khu để tham gia chiến đấu, 2 đứa em nhỏ còn lại phải gửi bà con chăm sóc. Dù tuổi còn nhỏ nhưng ông hăng hái cầm súng trực tiếp ra chiến trường. Chỉ thời gian ngắn, bố mẹ và người anh đầu của ông cùng hy sinh khi lâm trận. Ông tiếp tục bám trụ chiến trường cùng các anh, các chú trong chiến khu cho đến ngày đất nước giải phóng.
Hòa bình lập lại, người thanh niên dũng cảm Nguyễn Văn Sáng nỗ lực học tập, lấy bằng đại học ngành bưu chính rồi về công tác nhiều nơi trong tỉnh. Ông Sáng tâm sự: “Mình chỉ là người làm công ăn lương, lại phải nuôi vợ và 3 đứa con ăn học nên cũng chỉ đủ sống qua ngày. Có được kinh tế ổn định như ngày nay là nhờ chính quyền các cấp đã luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay cho gia đình chính sách với lãi suất ưu đãi, gia đình tôi cất phòng trọ cho thuê, mỗi năm lại vay thêm một ít. Cứ làm theo kiểu cuốn chiếu như thế, nay gia đình có vài chục phòng trọ, có được nguồn thu nhập ổn định”.
Khi đời sống kinh tế dần khá lên, ông là người quan tâm, hỗ trợ lại những gia đình, đối tượng chính sách khó khăn. “Không nhiều, đó là những phần quà, có khi vài ba triệu ủng hộ sửa nhà cho đối tượng, chủ yếu là tấm lòng. Cái chính là mình phải biết nhớ đến đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ông Sáng nói.
Cũng thể hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” còn có gia đình chính sách Nguyễn Văn Nhân ở khu phố 7, phường Uyên Hưng. Trước đây, kinh tế gia đình ông Nhân cũng không khá giả gì, nhưng bằng nguồn vốn vay tại địa phương, ông mạnh dạn đầu tư nuôi gà. Lúc đầu chỉ làm quy mô nhỏ, tích lũy dần, khoảng 5 năm trở lại đây, mô hình chăn nuôi của gia đình ông dần mở rộng quy mô, mang lại thu nhập cao. Cách làm này đang được gia đình ông chia sẻ cho người dân tại địa phương, đặc biệt là con em đối tượng chính sách, người có công không có việc làm ổn định.
Ông không chỉ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi mà còn trợ vốn mua thức ăn gia súc, gia cầm cho một số cơ sở nhỏ. “Trong việc xã hội hóa chăm lo gia đình chính sách có rất nhiều cách. Nếu như chính quyền đứng ra tổ chức quyên góp, tặng quà, thăm hỏi gia đình chính sách, có công thì chúng tôi làm theo cách riêng của mình, miễn sao cùng chung tay, góp sức để đưa gia đình, con em người có công ngày càng đi lên, ổn định kinh tế mọi mặt”, ông Nhân nói.
Với suy nghĩ và cách làm khá thực tế, những người thuộc diện gia đình chính có cuộc sống ổn định tại TX.Tân Uyên đã và đang có nhiều cách làm hay, giúp đỡ gia đình và con em người có công.
Xây nhà, chăm lo đời sống tinh thần
Xác định công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng là một nhiệm vụ quan trọng, cấp ủy, chính quyền các cấp của TX.Tân Uyên luôn tập trung chỉ đạo sát sao và có những cách làm cụ thể, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước với thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách. Hiện nay, trên địa bàn TX.Tân Uyên có 4.674 đối tượng chính sách, trong đó có 289 mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 6 mẹ còn sống).
Bà Nguyễn Ngọc Anh Thy, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Tân Uyên cho biết, những năm qua, TX.Tân Uyên làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Các chế độ chính sách được thực hiện một cách đầy đủ và kịp thời, đúng đối tượng. Thị xã tổ chức tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ; phát động các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cá nhân trên địa bàn tham gia ủng hộ, tổ chức các đợt thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. “Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đặc biệt là của Đảng bộ, chính quyền từ thị xã đến cơ sở, các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn đã cảm thấy ấm áp, nghĩa tình; có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống kinh tế gia đình”, bà Thy nói.
Chỉ tính riêng mỗi dịp tết đến, xuân về, TX.Tân Uyên đã tổ chức trao tặng hàng ngàn phần quà cho các đối tượng với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Trong đó có nguồn xã hội hóa vận động từ các cơ quan, doanh nghiệp, cũng như các địa phương. Để chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho gia đình chính sách, đối tượng chính sách, công tác điều tra kinh tế, cấp tặng thẻ bảo hiểm, xây mới và sửa nhà tình nghĩa được thị xã duy trì thường xuyên.
Bà Nguyễn Ngọc Anh Thy cho biết thêm, trong việc chăm lo đối tượng chính sách, gia đình người có công, công tác xã hội hóa luôn được địa phương chú trọng. Công tác đào tạo nghề, tìm việc làm hay đưa con em học nghề ở các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt; tìm những mô hình hay để con em đối tượng áp dụng, phát triển kinh tế gia đình luôn được địa phương chú trọng.
Trong năm 2020, TX.Tân Uyên đã cấp 7.008 thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn thị xã; trao tặng 1 căn nhà tình nghĩa tại phường Phú Chánh với tổng kinh phí 180 triệu đồng; sửa chữa 8 căn nhà tình nghĩa tại 4 xã, phường (Thái Hòa 3 căn, Hội Nghĩa 1 căn, Vĩnh Tân 1 căn, Tân Phước Khánh 3 căn) với tổng kinh phí 320 triệu đồng từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa thị xã. |
QUANG TÁM