Phát huy trí tuệ trong công nhân lao động
(BDO) “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là một trong những phong trào thi đua tạo điều kiện cho công nhân lao động (CNLĐ) thuộc Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương (KCN) không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đem lại lợi ích cho chính mình và sự phát triển của Bình Dương.
Ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao giấy khen, biểu trưng cho CNLĐ đạt danh hiệu “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” năm 2016
Những sáng kiến tiêu biểu
Chị Nguyễn Thị Lý, quản lý phân xưởng may thuộc Công ty Cổ phần Sao Việt (KCN Đồng An) đã có sáng kiến, cải tiến máy tự chế rập mép viền. Xuất phát từ thực tế công đoạn rập mép viền rất mất thời gian và nhân công, nên chị đã có ý tưởng cải tiến chiếc máy cũ thành chiếc máy đạt chất lượng cao. Anh chị em trong công ty thường gọi vui là chiếc máy “tiết kiệm 8 người”. Bởi chiếc máy do chị cải tiến mẫu mã sản phẩm không chỉ đẹp, chất lượng cao mà còn giảm 8 nhân công lao động trong dây chuyền sản xuất. Cải tiến này được Ban Giám đốc (BGĐ) áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí sản xuất mỗi năm khoảng 100 triệu đồng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chị cũng đề xuất công ty kết hợp giữa công đoạn và sắp xếp để công nhân có thể sử dụng hai đầu máy dán tocap, Vamp liên tục...
Cùng với ý tưởng cải tiến kỹ thuật của chị Lý, tại đây còn có chị Nông Thị Huyền, cán bộ quản lý sản xuất bộ phận ép nhiệt, phân xưởng gia công. Sáng kiến của chị là làm những khuôn ép, khi ép có thể ép được từ 2 - 5 sản phẩm/lần và có thể kết hợp với các công đoạn khác ngay trên chuyền sản xuất. Với sáng kiến này, CNLĐ có thể thao tác một lúc nhiều công đoạn, vừa ép máy trong lúc chờ chế tác sản phẩm, vừa có thể dán sen lót hoặc tháo gỡ vật tư, giúp CNLĐ xử lý nhịp nhàng, tăng năng suất sản phẩm... Hay sáng kiến của hai anh Lê Trí Thắng và Nguyễn Thế Quỳ, cán bộ sản xuất Công ty TNHH Nhựa Chinli (KCN Việt Hương) đã sáng chế và lắp đặt 3 máy tự động đưa hàng vào máy của xưởng EVA. Ý tưởng này đã giúp giảm công sức cho CNLĐ khi thao tác máy, tiết kiệm cho công ty trên 1,1 tỷ đồng mua máy và trên 100 triệu đồng mỗi năm về trả lương và các chi phí khác của doanh nghiệp. Đặc biệt, với ý tưởng này đã giúp công ty không còn tình trạng xảy ra tai nạn lao động và cải thiện môi trường làm việc nóng nực của người lao động.
Phát huy trí tuệ của công nhân lao động
Đem những thành công này trao đổi với ông Đào Trần Đông, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN, ông cho biết: “Xuất phát từ thực tế của các doanh nghiệp là mong muốn cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, Công đoàn các KCN đã phát động phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Thông qua phong trào đã động viên đoàn viên công đoàn, CNLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tham gia hội nhập khu vực và quốc tế. Điều đặc biệt của phong trào là những sáng kiến không phải của các kỹ sư hay chuyên gia mà là của những CNLĐ bình thường. Những ý tưởng, đề xuất cải tiến kỹ thuật của CNLĐ dù nhỏ cũng được doanh nghiệp ghi nhận và đưa vào nghiên cứu, áp dụng trong sản xuất. Phong trào không chỉ có ý nghĩa phát huy sáng kiến, trí tuệ của CNLĐ mà còn đưa phong trào thi đua, khen thưởng của các công đoàn cơ sở đi vào thực chất hơn”.
Qua một năm phát động, kết quả đã có trên 1.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích được doanh nghiệp nghiên cứu, đưa vào ứng dụng, tiết kiệm chi phí mỗi năm trên 50 tỷ đồng. Phong trào gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phong trào đã khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình, sức sáng tạo của CNLĐ, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định: “Thời gian qua, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Công đoàn các KCN Bình Dương đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiết kiệm chi phí, thúc đẩy sản xuất, góp phần cùng cộng đồng các doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Phong trào thi đua đã giác ngộ CNLĐ phát huy tính sáng tạo, vững về chính trị, tư tưởng, mạnh về tổ chức để tiếp tục nâng cao trình độ, tay nghề, khả năng tiếp cận công nghệ mới đưa tổ chức công đoàn phát triển ngày càng lớn mạnh”.
KIM HÀ