Phát huy trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách
(BDO)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Sáng 8-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Phát huy trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tiên của khóa XIV, thảo luận một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật về hội. Hai dự thảo luật này đã được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến và sẽ được trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thảo luận, thông qua trong Kỳ họp thứ Hai chuẩn bị diễn ra vào tháng 10 tới.
Nhắc lại yêu cầu cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tới việc phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Đề cập tới các quyền con người, quyền cơ bản của công dân liên quan tới tôn giáo, tín ngưỡng, quyền lập hội được Hiến định, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc ban hành hai đạo luật này là rất cần thiết để thể chế hóa cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, qua đó bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền lập hội của công dân và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước.
Thu về một đầu mối quản lý
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, kết quả tập hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, đa số đại biểu cho rằng, việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn phân tán và đề nghị quy định cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này.
Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng.
Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Do đó, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả.
Nhiều ý kiến đề nghị phải có một cơ quan nhà nước phù hợp, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Bàn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho rằng nên thu về một đầu mối quản lý và nên giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm công việc này.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị chuyển hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bởi ngay trong các văn bản của dự án luật cũng khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là các hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt đánh giá các giá trị tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo là một loại hình văn hóa đặc trưng, luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo khác hoàn toàn với việc quản lý các lĩnh vực hay tổ chức khác, do vậy dự thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này và cán bộ, ngành liên quan.
Theo đại biểu, cơ quan nào quản lý đều phải thể hiện rõ trách nhiệm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ để người dân và các tổ chức tôn giáo hoạt động một cách thuận lợi nhất, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc không can thiệp vào các việc nội bộ của tổ chức tôn giáo, để các tổ chức tôn giáo tự quyết trong hiến chương, điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Đại biểu cũng có quan điểm nên để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý.
Về tên gọi của dự thảo luật, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi sau khi đọc toàn bộ hồ sơ dự thảo luật, cần đổi tên dự thảo thành Luật hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cho phù hợp. Thẩm tra dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị giữ tên gọi của dự thảo Luật là Luật tín ngưỡng, tôn giáo để bao quát phạm vi điều chỉnh của Luật, trong đó có cả việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tên gọi này cũng phù hợp và có tính kế thừa các văn bản của Đảng cũng như hệ thống pháp luật có liên quan...
Theo chương trình, chiều 8-9, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật về hội./.
Theo Vietnam+