Phát huy tiềm năng du lịch
Nói đến Bình Dương có lẽ hầu hết du khách trong và ngoài nước đều chỉ nghĩ đến là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp. Tuy nhiên, thế mạnh của Bình Dương không chỉ là công nghiệp mà còn nhiều lĩnh vực khác, trong đó phải kể đến du lịch. Có điều, tiềm năng ở lĩnh vực này còn chưa được phát huy hết…
Những địa chỉ có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa ở Bình Dương kể ra khá nhiều như: Vườn cây trái Lái Thiêu, hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, dọc sông Sài Gòn, làng tre Phú An, chiến khu Đ, địa đạo Tam giác sắt, nhà tù Phú Lợi, vườn cao su thời Pháp thuộc ở Dầu Tiếng, chùa Hội Khánh, Đình Tân An, nhà cổ, làng gốm sứ, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp…
Đó là chưa kể đến các loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm) đều có thể phát triển được.
Dù các địa chỉ trên hàng năm đều có du khách đến viếng thăm, có nơi nhiều, có nơi ít nhưng nhìn chung du lịch ở Bình Dương chưa tạo ra được một chuỗi kết nối trong bản đồ du lịch của Việt Nam. Nhiều du khách khi đến hồ Dầu Tiếng - núi Cậu, làng tre Phú An hay các làng nghề đều tỏ ra thích thú với không gian sinh thái, văn hóa nơi đây, song để thu hút một lượng du khách lớn, thường xuyên trong các tour tuyến của những công ty du lịch lữ hành thì còn nhiều việc phải làm.
Ngành du lịch của tỉnh một thời từng thu hút du khách gần xa với những địa chỉ ăn sâu trong tâm trí nhiều người như vườn cây trái Lái Thiêu. Song, dường như nó cũng đã “ngủ quên” trong lòng du khách thập phương. Để phục hồi tiềm năng đó, tỉnh đã có những kế hoạch như hỗ trợ người dân trồng cây trái, tổ chức lễ hội mùa trái chín, quảng bá hình ảnh…
Lợi ích của ngành công nghiệp không khói mang lại không chỉ ở doanh thu tại các điểm du lịch mà còn tạo ra nhiều giá trị vô hình khác cho tỉnh nhà. Chính vì vậy, chủ trương phát triển du lịch của tỉnh bên cạnh sự phát triển của các loại hình khác cũng không nằm ngoài mục đích ấy. Mới đây, lãnh đạo tỉnh đã có buổi thực địa và làm việc với huyện Dầu Tiếng, yêu cầu địa phương phải tranh thủ mọi nguồn lực, huy động mọi nguồn vốn của các cá nhân, tổ chức cùng chung tay xây dựng và phát triển tiềm năng du lịch sinh thái núi Cậu của địa phương là một minh chứng.
Có thể nói, cùng với các hoạt động khác trong chỉ đạo điều hành phát triển du lịch chung của tỉnh, việc yêu cầu lấy phát triển du lịch sinh thái núi Cậu làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Dầu Tiếng được xem như một sự đánh thức lại tiềm năng của ngành công nghiệp không khói ở địa phương này. Đây cũng là một sự mong muốn không chỉ của riêng người dân huyện Dầu Tiếng.
T.ĐỒNG