Phát huy thế mạnh về khoa học - kỹ thuật để gắn kết chặt chẽ vào mô hình liên kết “ba nhà”
Việc đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học từ các trường đại học đang được xem là giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn trong phát triển, chuyển giao công nghệ hiện nay. Trong khi đó, việc xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương gắn với mô hình liên kết “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp) đang mở ra nhiều cơ hội đối với hoạt động khai thác, thương mại hóa kết quả từ các viện nghiên cứu, trường đại học vào doanh nghiệp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm trường Đại học Thủ Dầu Một.
(BDO)
Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương giới thiệu các sản phẩm do nhà khoa học nghiên cứu với đại diện doanh nghiệp. Ảnh: TIỂU MY
- Thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm trường Đại học Thủ Dầu Một đã có nhiều nỗ lực trong việc thương mại hóa các sáng chế, chuyển giao kết quả nghiên cứu của giảng viên cho các doanh nghiệp. Xin tiến sĩ cho biết cụ thể về hoạt động này?
- Theo định hướng của ban lãnh đạo trường Đại học Thủ Dầu Một, Trung tâm Nghiên cứu- Thực nghiệm có nhiệm vụ gắn kết đưa các kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên thuộc các nhóm nghiên cứu trong nhà trường ra phục vụ cộng đồng và gắn kết chuyển giao đến doanh nghiệp, nhằm góp phần vào việc tăng hiệu quả đào tạo, tăng tính ứng dụng của các đề tài khoa học, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho cả cộng đồng và các nhà khoa học.
Một số hoạt động chuyển giao, gắn kết điển hình trong các năm 2015-2017 mà trung tâm đã thực hiện phải kể đến như: Công ty TNHH Pi Land hợp tác toàn diện trong việc sản xuất và kinh doanh tất cả sản phẩm thiên nhiên từ nghiên cứu khoa học của nhà trường; Công ty Cổ phần hỗ trợ nhân đạo Đồng Công (thương hiệu cao linh chi Minh Khải) hợp tác trong nghiên cứu, nuôi trồng và chế biến các loại nấm dược liệu, nấm ăn, dược liệu; Vườn Quốc gia Núi chúa - Ninh Thuận về việc nghiên cứu số loài cây dược liệu như cây cam đường lấy tinh dầu…
Hiện nay, trung tâm bước đầu phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh Bình Thuận về công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị khoa học, hợp tác và chuyển giao các nghiên cứu khoa học; Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, Viện bỏng quốc gia, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh… về việc phối hợp, trao đổi thông tin, đồng chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp…
Bên cạnh đó, trung tâm đã từng bước hoàn thiện và chuẩn bị đưa ra phục vụ thị trường nhiều sản phẩm ứng dụng, như đông trùng hạ thảo, linh chi và các sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo và linh chi… Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với khoa Khoa học tự nhiên và các giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một trong công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học - công nghệ đến cộng đồng...
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học trong các trường đại học thời gian qua còn hạn chế, nguyên nhân chính là do giảng viên - những người giỏi nghiên cứu khoa học, song còn bỡ ngỡ trước yếu tố thị trường, tài chính… nên khó có sự gặp gỡ giữa nhu cầu doanh nghiệp và nhà khoa học trong nước, dẫn đến các nghiên cứu khoa học của giảng viên khó áp dụng vào thực tiễn. Ý kiến của tiến sĩ về vấn đề này như thế nào?
- Giảng viên các trường đại học, viện nghiên cứu là những người có chuyên môn sâu và có thể vận dụng rất tuyệt vời tri thức của mình để tạo ra các công thức sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm ra thị trường, theo tôi là một bài toán đa biến, cần rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm về sản xuất quy mô lớn, kế hoạch phát triển thị trường, kêu gọi vốn, ngoại giao và cạnh tranh, mạng lưới quan hệ xã hội… Điều đó đòi hỏi sự hợp tác làm việc của nhiều cá nhân với đúng chuyên môn như hệ thống của một công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
Để một nhà khoa học bước ra tự mình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu là vô cùng gian nan. Ngoài yếu tố chất lượng sản phẩm, tôi nhận thấy các doanh nghiệp còn yêu cầu sản phẩm phải chú ý đến giá thành để có thể cạnh tranh trên thị trường, chú ý đến nguồn nguyên liệu sạch sẵn có ở số lượng lớn. Đôi khi nhà khoa học nghiên cứu ra sản phẩm có chất lượng tốt nhưng giá sản phẩm quá cao, khiến sản phẩm khó tiếp cận thị trường cũng như cạnh tranh. Do đó, việc gắn kết theo mô hình nhà quản lý - nhà kinh doanh - nhà nghiên cứu - nhà tiêu dùng sẽ là cần thiết để đưa ra sản phẩm phù hợp và hỗ trợ cho việc phát triển khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cộng đồng. Một nguyên nhân nữa khiến việc ứng dụng kết quả đề tài khoa học vào thực tiễn khó khăn là do tính đặc thù chuyên môn sâu của các công trình, lĩnh vực nghiên cứu. Ví dụ như các nghiên cứu về lý thuyết khoa học hoặc các lĩnh vực y sinh học có thể đưa đến các công bố khoa học quốc tế có giá trị cao, mà điều này là bắt buộc với các bạn đang học nghiên cứu sinh để hoàn thành luận án, thì không lập tức tạo ra các sản phẩm ứng dụng có thể chuyển giao đến doanh nghiệp và thị trường, mà sản phẩm của họ lại là các kiến thức khoa học để các nhóm nghiên cứu khác tiếp tục kế thừa, phát triển và nghiên cứu ứng dụng.
- Về hướng nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thời gian qua trung tâm đã thực hiện như thế nào thưa tiến sĩ?
- Về hướng nghiên cứu theo đơn đặt hàng của xã hội và doanh nghiệp, đây là cách làm thiết thực để hướng các nhóm nghiên cứu tập trung giải quyết những bài toán khoa học ứng dụng trước mắt. Việc tạo nên các nhóm nhà khoa học nghiên cứu phục vụ ứng dụng, giải quyết những vấn đề xã hội sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội nước nhà và các kết quả đề tài không bị lãng phí. Cùng với đó, việc triển khai nghiên cứu nhằm tự chủ về quy trình sản xuất sản phẩm công nghệ cao từ thành tựu của các nước cũng hết sức cần thiết để nâng cao lĩnh vực khoa học - kỹ thuật nước nhà. Các cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp giúp chúng tôi hiểu rõ hơn yêu cầu từ các đối tác, hiểu họ cần gì từ nhà khoa học và cách thức gắn kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Chúng tôi nhận thấy một nhu cầu rất lớn từ phía các công ty trong việc phát triển công nghệ, sản phẩm độc đáo, chất lượng để tăng tính cạnh tranh của công ty và nhà khoa học cũng mong mỏi tạo ra giá trị ứng dụng thực tế từ những kết quả nghiên cứu tâm huyết của mình. Đối với Trung tâm Nghiên cứu - Thực nghiệm, chúng tôi nhận đặt hàng trực tiếp từ doanh nghiệp làm đề tài nghiên cứu, đồng thời tìm hiểu nắm bắt nhu cầu của xã hội để đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu cho các nhóm nghiên cứu và chào hàng chuyển giao công nghệ, sản phẩm đến doanh nghiệp, từ đó rút ngắn được thời gian chờ đợi ứng dụng và sử dụng hiệu quả các kết quả đề tài. Chúng tôi tiếp cận doanh nghiệp, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu phát triển sản phẩm, công nghệ của doanh nghiệp đề xuất đến các khoa của trường để các nhà khoa học hiện thực hóa. Chúng tôi cũng trực tiếp kết nối doanh nghiệp và nhà khoa học theo đúng chuyên môn để tư vấn, hỗ trợ qua lại, chuyển giao và phát triển các công nghệ họ mong muốn.
- Để xây dựng Bình Dương thành thành phố thông minh, tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm dựa trên nền tảng mô hình “ba nhà”. Theo tiến sĩ, các ngành chức năng cần hỗ trợ, tạo cơ hội gì để gắn sự đột phá của nhà khoa học và nhu cầu thực tế của xã hội?
- Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học được tiếp cận tốt hơn các nguồn quỹ hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng và start up (khởi nghiệp), đồng thời hy vọng được tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu khoa học, viên chức của nhà trường cơ chế để thương mại hóa sản phẩm từ chính cơ sở trường đại học công lập, trong khi hiện nay các quy chuẩn về đăng ký sản phẩm chỉ từ các doanh nghiệp tư nhân. Được như vậy, các nhà nghiên cứu sẽ mạnh dạn làm ra những sản phẩm ứng dụng và phục vụ nhu cầu thực tế của xã hội.
- Xin cảm ơn tiến sĩ!
TIỂU MY (thực hiện)