Phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, ngày 10/06/2015

Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận (CTDV), thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Bình Dương đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhờ làm tốt CTDV, tinh thần đoàn kết tại các cộng đồng dân cư được củng cố, tạo ra sức mạnh tổng hợp để các địa phương thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước.

(BDO)

 Công tác dân vận đã góp phần tích cực vào chương trình xây dựng NTM. Trong ảnh: Người dân chung tay làm đường giao thông nông thôn tại xã An Sơn, TX.Thuận An. Ảnh: CAO SƠN

Những con số biết nói

Đến cuối năm 2014, Bình Dương có thêm 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số lên 11 xã đạt chuẩn NTM. Hiện toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí và có hơn 50% xã đạt trên 14 tiếu chí NTM. Có được kết quả này, Bình Dương đã dành hơn 2.019 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó có hơn 927 tỷ đồng được huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn thông qua những con số đã mang lại diện mạo mới cho nông thôn Bình Dương. Kết quả, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 85,5%; trong đó tỷ lệ bê tông, nhựa hóa chiếm 54%. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,1%. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,52% theo tiêu chí của tỉnh.

CTDV đã góp phần tạo nên sự thành công cho chương trình xây dựng NTM mà Phú Giáo là một trong những huyện điển hình. Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, phong trào “Chung sức xây dựng NTM” đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Thông qua công tác tuyên truyền, tại nhiều địa phương, nông dân đã hiến đất đai, cây trồng để mở các tuyến đường. Không những vậy, nhân dân còn tích cực lao động sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh, tham gia giữ gìn môi trường nông thôn…

Phát huy nội lực

Chúng tôi đến xã Tân Hiệp - một xã đạt chuẩn về xây dựng NTM trong năm 2014. Điều dễ thấy nhất khi đến đây là nhiều tuyến đường được trải bê tông sạch sẽ thay cho các tuyến đường đất đỏ trước đây, giúp việc đi lại của người dân thuận tiện. Ông Vũ Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: “Có được thành công như hôm nay chính là nhờ sự đồng thuận trong nhân dân. Thông qua CTDV, nhân dân đã đóng góp trực tiếp 500 triệu đồng, tự nguyện hiến cây trái, hoa màu, đất đai, tài sản trên đất trị giá trên 2 tỷ đồng. Việc thực hiện tốt CTDV còn vận động được nhân dân tự bỏ kinh phí chỉnh trang nhà ở, công trình phụ, cổng ngõ, tường rào khang trang sạch đẹp”. Theo thống kê, trong những năm qua, nguồn vốn đóng góp từ nhân dân trên 41 tỷ đồng, chiếm 49% so với tổng nguồn vốn xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015. Đây là một nguồn nội lực hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu xây dựng NTM.

Không chỉ ở xã Tân Hiệp (Phú Giáo), nhờ làm tốt CTDV, An Sơn đã trở thành xã NTM theo đúng kế hoạch và đạt chất lượng cao. Kinh nghiệm được đặt ra tại xã An Sơn là vận dụng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, biết huy động sức dân để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung như điện, đường, trường học, trạm y tế, nạo vét kênh rạch, xây dựng nhà văn hóa, văn phòng ấp, nhà sinh hoạt cộng đồng ấp… Qua tổng kết chương trình phát triển kinh tế địa phương và chương trình xây dựng NTM, nhân dân xã An Sơn đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng chục vạn ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trong đó có 24 công trình giao thông nông thôn với kinh phí 31,625 tỷ đồng; hạ thế và cải tạo hệ thống điện lưới với tổng kinh phí 932 triệu đồng; nạo vét 32 tuyến kênh rạch với tổng kinh phí 7,298 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp đất đai, hoa màu trên 4,5 tỷ đồng.

Không những vậy, nhân dân còn thực hiện tốt nếp sống văn hóa NTM; tích cực xây dựng gia đình và cộng đồng văn hóa, xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đến nay, 94,93% gia đình trong xã đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 80% ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa và được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa NTM, các ấp đều xây dựng quy ước theo pháp luật phù hợp với truyền thống địa phương.

Xây dựng NTM là một chương trình lâu dài và liên tục để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo dựng diện mạo NTM của địa phương. Những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện CTDV chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy, nhằm tạo ra những đột phá mới trong chương trình xây dựng NTM ở Bình Dương .

 CAO SƠN