Phát huy sức mạnh cộng đồng
(BDO) Mới đây, UBND TX.Dĩ An đã tổ chức biểu dương cặp vợ chồng anh Nguyễn Duy Hưng, quê Thái Bình và chị Trần Thị Quế Nhàn, quê Vĩnh Long đã kịp thời phát hiện, cứu giúp cháu bé Trần Thị Kim Ngân, 4 tuổi khi cháu bị người thân bạo hành gây thương tích. Việc làm của họ là nghĩa cử cao đẹp đã được vinh danh; qua đó cũng nhằm khuyến khích, cổ vũ và phát huy sức mạnh của cộng đồng trong việc đấu tranh với “cái xấu, cái ác” trong đời sống xã hội. Họ đã không “nhắm mắt làm ngơ”, vô cảm trước tình huống sinh tử ngặt nghèo của cháu bé đang rất cần giúp đỡ.
Câu chuyện bạo hành trẻ thơ gây xúc động lòng người như thế này, chắc chắn không phải là lần đầu xảy ra; song có khi là do nhận thức hạn chế, cách nhìn nhận vấn đề khá đơn giản nên sự việc tương tự có thể đã không bị phát giác, ngăn chặn. Trên thực tế, theo một kết quả khảo sát xã hội gần đây, cho thấy người dân cũng rất sẵn sàng đấu tranh cho lợi ích chung của cả cộng đồng chứ không đơn thuần chỉ vì lợi ích cá nhân riêng của họ; đã có hơn 60% số người được phỏng vấn khẳng định “sẽ thông báo cho cơ quan chức năng khi họ chứng kiến hành vi phạm tội”, do tin tưởng vào cơ quan có thẩm quyền sẽ bảo vệ trong trường hợp họ bị trả thù và cơ quan chức năng sẽ có hành động thỏa đáng đối với tội phạm. Đặc biệt, đã có hơn 90% số người tham gia cuộc khảo sát này cho rằng báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã đóng vai trò “rất quan trọng” hoặc “quan trọng” trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Thế là, họ vững lòng tin.
Từ lâu nay, vai trò của cộng đồng thực sự là “tai mắt nhân dân” rộng khắp, đã trở thành sức mạnh lớn, được các cấp chính quyền chú ý phát huy trong việc giám sát, kiểm tra ở cơ sở. Không ít nơi khéo léo vận dụng cơ chế hỗ trợ, động viên khen thưởng kịp thời đã góp phần khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân, tạo điều kiện cho mọi người tích cực tham gia. Bởi vì trong xã hội hiện vẫn còn một số đối tượng xem thường pháp luật, có hành vi phạm pháp cần được phát hiện nghiêm trị, ngăn ngừa. Trước sự việc bạo hành con trẻ vừa xảy ra, thiết nghĩ các địa phương nhất thiết cần lưu tâm, có giải pháp giám sát, kiểm tra; mà việc làm này cần thường xuyên không chỉ làm từng đợt hoặc ỷ lại, trông chờ vào ngành chức năng. Mặt khác, cần tăng cường vai trò hoạt động của các chi hội phụ nữ, khu phố, tổ trưởng dân cư, chủ nhà trọ… và can thiệp khi cần thiết.
Không thể ngó lơ, bỏ mặc các cháu bé vốn dĩ mong manh khi chúng bị người lớn trút cơn thịnh nộ! Kịp thời lên tiếng cảnh báo, ngăn ngừa hành vi bạo hành đối với trẻ luôn là mệnh lệnh xuất phát từ những tấm lòng nhân hậu. Không thể dửng dưng vô cảm trước sự việc, để rồi phải xót xa thương cảm khi trót xảy ra hậu quả đau lòng.
THANH NHÀN