Phát huy phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình
Giây phút thảnh thơi của người cựu chiến binh Nguyễn Văn Dùm sau những tháng năm tất bật với công việc xã hội
Thương binh Nguyễn Văn Dùm: Ấm áp tình đồng chí
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, trưởng thành, ông Nguyễn Văn Dùm, SN 1946 lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc. Lúc mới là một chàng thiếu niên, ông không khỏi bỡ ngỡ khi được kết nạp Đoàn. Năm đó ông chỉ mới 14 tuổi. Những năm tháng hoạt động bí mật đã qua, năm 1964 chàng thanh niên được rút ra tham gia lực lượng địa phương. Niềm hạnh phúc khi được đứng vào hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh rồi Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào ông vẫn còn nhớ. 20 năm khoác áo lính, ông Dùm đã đi qua nhiều trận đánh, mỗi nơi đều để lại dấu ấn khó quên. Song ấn tượng nhất đối với ông là trận đánh Bàu Bàng lần 3 ngày 5-5-1966. Hồi đó, ông Dùm là một chiến sĩ pháo thủ sát cánh cùng đồng đội quyết tiêu diệt máy bay địch. Chưa bao giờ cái chết lại cận kề gang tấc đến thế. Kết thúc của trận chiến ác liệt, Trung đội 12 ly 7 với 24 chiến sĩ chỉ còn lại 2 người, ông Dùm may mắn là 1 trong 2 người đó. Sau trận oanh tạc, ông Dùm cùng người đồng đội sống sót tên là Lực lại tiếp tục tham gia vào trận đánh Xa Cát (Bình Long, Bình Phước) ác liệt ngày 9-7-1966. Và lần này, người chiến sĩ mà ông chưa kịp nhớ họ ấy đã mãi mãi ra đi.
20 năm cầm súng chiến đấu, kể cả những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, ông Dùm đã chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, trong đó có người bạn chung hầm với mình, liệt sĩ Ngô Tấn Xã. Cùng chia nhau miếng cơm, ngụm nước để rồi người đồng chí ấy cùng 22 đồng đội khác đã ngã xuống trước mắt mình. Sự ám ảnh đau thương đến mức sau khi hòa bình, ông Dùm vẫn không ngớt xót xa. Từ năm 1985, ông Dùm về làm việc ở các nông trường cao su như Long Nguyên, Long Tân (Bến Cát) với các chức danh như Bí thư Đảng ủy, giám đốc, chủ tịch công đoàn. Công việc bận rộn nhưng nỗi canh cánh về người đồng đội vẫn còn đó. Ông quyết tâm đi Mỏ Cày (Bến Tre) tìm hiểu về gia đình, thân nhân của bạn mình. Sau khi đưa được hài cốt đồng đội về Bến Tre, biết người thân liệt sĩ Xã sống bình an khỏe mạnh ông Dùm mới thấy an lòng. Tâm niệm bao lâu nay đã được thực hiện. Thế mới biết tình đồng chí thiêng liêng như thế nào!
Năm 2006, ông Dùm nghỉ hưu trở về sống với gia đình ở ấp Bưng Thuốc, xã Long Nguyên (Bến Cát). Ngoài việc tham gia đều đặn các hoạt động đoàn thể ở địa phương, thời gian rảnh rỗi ông Dùm dành cho gia đình và làm kinh tế. Sở hữu 7 ha cao su cùng một vườn nhân giống cao su, kinh tế gia đình ông được xem là khá giả ở địa phương. Con cái thành tài, kinh tế ổn định, người thương binh 3/4 thật sự cảm thấy mãn nguyện.
Thương binh Hoàng Tiến Lợi: 31 lần xuất trận, 18 lần bị thương
Với 31 lần xuất trận có 18 lần bị thương, đó là chiến tích được nhắc nhiều nhất khi nói về thương binh Hoàng Tiến Lợi, SN 1949. Gặp chúng tôi, ông lại kể về những trận chiến ác liệt. Lúc mới gặp ông Lợi có vẻ khó tính, nhưng khi nói về đời lính giọng ông lại trở nên hào hứng hơn bao giờ hết. Sinh ra ở một vùng quê yên ả đất Thanh Hóa, ông Lợi nhập ngũ theo tiếng gọi của Bác Hồ. Tháng 3-1966, ông Lợi có mặt tại trận chiến 24 ngày đêm ở Huế cùng Trung đoàn 324. Ông nhớ về trận đánh ở Đồi A, Hồn Vượn, cách Thừa Thiên - Huế 7km. Ngày đó, ông cùng đơn vị lo việc đào hầm, ngụy trang để hỗ trợ Đại đội 1 đánh giặc. 2 giờ sáng ông Lợi nhận gác chốt. Tiếp đó, ông được giao nhiệm vụ đưa cơm nắm cho đồng đội ở các hầm. Vừa phát cơm xong, về đến hầm chưa kịp ăn nắm cơm của mình thì máy bay Mỹ lại oanh tạc. Đồng đội ngã xuống trong tiếng bom rền, riêng ông Lợi bị thương ở đùi trái may mắn được một chiến sĩ cõng đi. Trong 24 ngày đêm chiến đấu ác liệt, ông Lợi đã bao lần đau đớn khi vết thương hành hạ, bao lần đau đớn khi nhìn thấy đồng đội hy sinh nằm bên mình. May mắn sống sót, ông được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ với thành tích diệt được 7 tên địch. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về sự khốc liệt của nó vẫn còn trong tâm trí người thương binh này.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Lợi về làm Bí thư Đảng ủy xã Tế Nông (Nông Cống, Thanh Hóa). Đến năm 1987, ông Lợi vào Sông Bé và giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Long Nguyên (Bến Cát) trong suốt 20 năm. Năm 2011, ông nghỉ hưu nhưng vẫn hăng say làm kinh tế. Ngoài chăm sóc vườn cao su, ông Lợi còn đào ao nuôi cá, chăn nuôi gia cầm. Hạnh phúc nhất đối với ông là con cái nay đã thành đạt, bình an.
TÂM TRANG