Phát huy lợi thế, tăng tốc phát triển
(BDO) Nhận định về tình hình trong nước năm 2020, nhiều chuyên gia cho rằng sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng và khó lường đối với mọi ngành, mọi nhà. Cùng với đó, biến đổi khí hậu kéo theo ngập mặn, bão lụt, sạt lở… diễn ra ở nhiều nơi đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nhiều địa phương. Tuy nhiên, với quyết tâm vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế, đến cuối năm tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung đã có sự khởi sắc trở lại.
Cùng với cả nước, Bình Dương cũng bị ảnh hưởng nhiều mặt do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Dịch bệnh bùng phát trên diện rộng tại nhiều nước trên thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất, làm gián đoạn thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công. Trước tình hình trên, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã có những giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất. Đến cuối năm 2020, Bình Dương đã đạt được mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đạt mức tăng trưởng cao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, Bình Dương đã tạo dựng và duy trì hiệu quả “hàng rào” phòng, chống dịch bệnh. Tính từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam hồi đầu năm đến nay, Bình Dương chưa phát hiện ca bệnh nào trong cộng đồng. Tuy là tỉnh có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng Bình Dương đã thực hiện tốt công tác phòng dịch từ xa. Với số lượng gần 3.000 chuyên gia và người thân của chuyên gia có nhu cầu nhập cảnh để điều hành doanh nghiệp trong năm vừa qua, Bình Dương đã đồng ý tạo điều kiện để số chuyên gia này vào làm việc, nhưng không hề lơ là trong công tác cách ly phòng dịch. Đối với công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh được đưa về tỉnh cách ly theo yêu cầu của Trung ương, Bình Dương đã thực hiện tốt khâu cách ly, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Đối với công tác phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, con số 6,91% tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt trong năm 2020 tuy còn thấp so với mục tiêu mà HĐND tỉnh đề ra hồi đầu năm, nhưng đã vượt xa so với nhiều địa phương trong nước và có ý nghĩa đặc biệt trong một năm nhiều biến động. Với tổng thu ngân sách gần 60.000 tỷ đồng mỗi năm, mức tăng trưởng tổng sản phẩm của Bình Dương trong năm 2020 có ý nghĩa, quyết định mức tăng trưởng chung của cả nước. Cùng với đó, mức tăng trưởng nói trên còn có ý nghĩa đối với doanh nghiệp, là động lực, nền tảng, lợi thế để doanh nghiệp tiếp tục bứt phá, tăng tốc phát triển trong thời gian tới.
Với những lợi thế nêu trên, cùng với quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự điều hành linh động của UBND tỉnh và các giải pháp kịp thời mà kỳ họp lần thứ 17, HĐND tỉnh khóa IX đề ra, tin rằng Bình Dương sẽ đạt được mục tiêu đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
LÊ QUANG