Phát huy hiệu quả tổ tư vấn tâm lý học đường
(BDO) Hiện nay, các vấn đề như trầm cảm, lo âu, bạo lực học đường, căng thẳng trong học tập, áp lực kiểm tra xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi học sinh (HS). Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng tác động không nhỏ đến sự tương tác, sẻ chia, thấu hiểu lẫn nhau giữa HS, giáo viên và phụ huynh. Để hạn chế những tác động xấu đến sức khỏe tâm lý của HS, giáo viên, trường Tiểu học Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một) đã thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường và bước đầu đã giúp đỡ thành công nhiều trường hợp gặp khó khăn về tâm lý.
Thành viên Tổ tư vấn tâm lý học đường của trường Tiểu học Hòa Phú gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ với các em HS
Đa dạng hình thức tư vấn
Hai năm nay, trường Tiểu học Hòa Phú đã dành một góc riêng trong khuôn viên nhà trường cho công tác tư vấn tâm lý học đường. Tổ tư vấn tâm lý học đường của trường Tiểu học Hòa Phú được thành lập và đi vào hoạt động từ năm học 2022-2023 nhằm tạo môi trường thân thiện, an toàn, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, hướng tới xây dựng đời sống tinh thần với những giá trị tốt đẹp, tạo mối quan hệ thống nhất trong giáo dục giữa nhà trường và gia đình.
Theo chia sẻ của cô Lê Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng Tổ tư vấn học đường trường Tiểu học Hòa Phú, tư vấn tâm lý học đường không chỉ cần thiết cho HS THCS và THPT mà cũng là một nhu cầu thiết yếu của lứa tuổi HS tiểu học. Bởi lẽ ở lứa tuổi này, các em còn thiếu kỹ năng sống nên dễ bế tắc khi đối mặt với những vấn đề phức tạp của cuộc sống, từ đó ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện và hòa nhập cuộc sống. Vì vậy, công tác tư vấn tâm lý học đường được trường Tiểu học Hòa Phú quan tâm thực hiện trong những năm qua.
Tổ tư vấn tâm lý học đường của trường có 11 thành viên gồm đại diện Ban Giám hiệu và các giáo viên có năng lực tư vấn trong nhà trường. Trường đã thiết kế và tổ chức 2 phòng tư vấn tâm lý. Cụ thể, một phòng có nhiệm vụ tư vấn cá nhân, nhóm nhỏ, mang tính chất riêng tư, kín đáo. Còn một phòng tư vấn tập thể lớp mang tính định hướng giáo dục phòng ngừa các kỹ năng cho HS, như: Kỹ năng sống, giao tiếp, phương pháp học tập, bài học nhân văn, giáo dục giới tính…
Bên cạnh đó, nhà trường còn thiết kế và tạo phòng tư vấn online bằng cách tạo phiếu đăng ký trực tuyến trên trang Facebook của phòng tư vấn và tiến hành tư vấn online theo lịch hẹn trực tuyến. Các em HS cũng có thể gửi thư tay đặt trước phòng tư vấn, gửi email, tin nhắn… Ngoài tư vấn riêng cho từng em, nhà trường đã tổ chức tư vấn tập trung thông qua cuộc thi tìm hiểu, hoặc qua các hoạt động ngoại khóa… Qua đó, trường sẽ chấn chỉnh, định hướng, giúp HS phát triển theo hướng tích cực.
“Trong suốt quá trình hoạt động, tổ tư vấn đã ghi nhận những vấn đề HS gặp phải chủ yếu xoay quanh hoàn cảnh gia đình, bạn bè giận nhau, chưa biết cách tự học, người lớn ít quan tâm, không được chia sẻ và làm không được những gì mình muốn. Với giáo viên là xử lý tình huống giao tiếp với phụ huynh chưa hiểu nhau, phương pháp giảng dạy, áp lực kiến thức giảng dạy vì HS học không đều, một vài phụ huynh không quan tâm con, những hiểu lầm với đồng nghiệp. Với phụ huynh thì chưa biết cách dạy con học ở nhà, con không nghe lời, phụ huynh quá kỳ vọng làm con căng thẳng, những góp ý giáo viên trong giáo dục phối hợp với gia đình…”, cô Hằng cho biết thêm.
Mô hình cần nhân rộng
Tư vấn tâm lý học đường cho HS không chỉ giúp các em giải quyết được những vấn đề đang gặp phải mà còn hỗ trợ cải thiện tốt các mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, học trò với thầy cô, giữa bạn bè với nhau… Mô hình này sẽ giúp cho các em HS tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống. Các em sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, áp lực để học tập hiệu quả hơn, cuộc sống cũng được cân bằng và vui vẻ.
Qua thời gian hoạt động, phòng tư vấn tâm lý học đường của trường Tiểu học Hòa Phú tiếp đón ngày càng nhiều các em HS, phụ huynh cũng như giáo viên trong nhà trường. Bởi nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy không chỉ của các em HS mà còn là sự lựa chọn của nhiều giáo viên và phụ huynh. Em Nguyễn Lê Vy, HS lớp 5/12 chia sẻ: “Em đã từng ghé tới phòng tư vấn học đường của nhà trường gặp các thầy cô trong tổ tư vấn để tâm sự những vấn đề mà bản thân em đang gặp phải trong học tập. Sau khi được thầy cô cho lời khuyên, em cảm thấy tinh thần thoải mái hơn, không còn buồn bực và việc học của em cũng tốt hơn. Bản thân em thấy phòng tư vấn là nơi hợp lý cho các bạn HS chia sẻ những vấn đề khó kể. Ở đây, chúng em được các thầy cô lắng nghe, cảm thông và đưa ra những lời khuyên bổ ích”.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục mầm non và tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết nhận thấy đây là mô hình thiết thực và ý nghĩa trong học đường, sở đã cho thực hiện các chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm tới các trường tiểu học trên toàn tỉnh. Từ đó, các cơ sở giáo dục đã cùng nhau xây dựng những giải pháp sáng tạo, phù hợp thực tiễn để triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian sắp tới, hướng tới xây dựng mỗi cơ sở giáo dục là một ngôi nhà thân thiện với những cá nhân hạnh phúc.
HỒNG PHƯƠNG