Phát huy hiệu quả hòm thư góp ý: Quyền và lợi ích công nhân được nâng lên

Thứ sáu, ngày 06/05/2016

(BDO) Hòm thư góp ý thực sự là cầu nối, là nơi chuyển giúp tâm tư, tình cảm, những đề nghị, kiến nghị… mà đôi khi vì lý do tế nhị, người cần bày tỏ không tiện nói ra. Đối với công nhân lao động (CNLĐ) điều này thực sự cần thiết, bởi phát huy hiệu quả của hòm thư góp ý thì quyền và lợi ích của người lao động (NLĐ) sẽ được nâng lên.

Là người bạn của CNLĐ

Hòm thư góp ý nhằm phát huy dân chủ, thực hiện quyền và trách nhiệm của CNLĐ, giúp cho các doanh nghiệp (DN) nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công nhân. Đồng thời, CNLĐ sẽ có cơ hội bày tỏ quan điểm, cũng như đóng góp ý kiến của mình về cách thức tổ chức, hoạt động của ban quản lý cấp trên, giúp cho hoạt động của các DN ngày càng tốt hơn, góp phần đấu tranh chống những biểu hiện sai trái, hách dịch, đối xử kém với NLĐ trong quá trình sản xuất.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các công ty như: Công ty TNHH Điện tử Foster, Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình, Công ty TNHH Shyang Hung Chen… đều triển khai tốt hòm thư góp ý dành cho CNLĐ. Ông Phan Kế Lợi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình cho biết: “Hòm thư góp ý là hình thức cổ điển nhưng lại dễ sử dụng nhất cho CNLĐ. Toàn công ty có khoảng 40 hòm thư tại các đơn vị phân xưởng, nhà ăn, nhà vệ sinh, là những nơi bảo đảm tính riêng tư cho người gửi. Chắc chắn, khi nhìn thấy, công nhân sẽ hiểu công dụng của hòm thư và sử dụng khi cần thiết”.

Tại nhiều công ty, xí nghiệp, hòm thư góp ý đã phát huy những tác dụng trong việc góp ý xây dựng trong quá trình sản xuất hay các vấn đề khác liên quan đến đời sống CNLĐ. Anh Nguyễn Thanh Toàn, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn, Công ty TNHH Điện tử Foster (Việt Nam) chia sẻ: “Hàng tuần, Công đoàn công ty sẽ đi kiểm tra và xem xét đến các vấn đề mà công nhân gửi thư. Nội dung chủ yếu mà công nhân thường góp ý là xoay quanh các vấn đề chất lượng bữa ăn, thái độ của quản lý trực tiếp trong sản xuất để qua đó có những đóng góp xây dựng giúp công việc trong công ty ngày càng tốt hơn”.

Khi được hỏi về vấn đề đã từng gửi thư vào hòm thư góp ý, anh Phạm Xuân Quân, công nhân ở KCN Mỹ Phước I tâm sự: “Chúng tôi coi hòm thư góp ý như những người bạn thân, bởi khi đó CNLĐ có thể bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở của mình để có thể giải quyết những nhu cầu chính đáng mà NLĐ quan tâm. Chúng tôi mong muốn những ý kiến, kiến nghị chính đáng của mình được tôn trọng và giải quyết kịp thời thông qua hòm thư góp ý”.

 Hòm thư góp ý là người bạn đồng hành với công nhân 

Cần tiếp tục phát huy hiệu quả

Hiện nay, một số đơn vị, doanh nghiệp vẫn nhận thức chưa đúng ý nghĩa của hòm thư góp ý, nên việc quản lý và sử dụng có nơi chưa thật sự hiệu quả. Từ việc người giữ chìa khóa, mở hòm thư, bảo quản hòm thư, nơi đặt hòm thư cho đến cơ chế tiếp thu... còn nhiều bất cập. Việc bảo quản và vị trí đặt hòm thư cũng là điều rất đáng bàn.

Theo ông Phan Kế Lợi, hòm thư phải đặt ở những nơi bảo đảm tính riêng tư cho người gửi. Để phát huy hiệu quả tác dụng của hòm thư góp ý, phải nhanh chóng trả lời và giải quyết các ý kiến đóng góp, phản ánh của NLĐ để tạo sự tin tưởng đối với NLĐ, thể hiện sự tôn trọng những ý kiến đóng góp, phản ánh của họ. Kết hợp thêm vài hình thức phụ trợ tiên tiến hơn như công khai số điện thoại “đường dây nóng” hỗ trợ NLĐ, hộp thư điện tử (email) đến Ban chấp hành Công đoàn, các kênh thông tin thông qua các mạng xã hội khác để CNLĐ dễ dàng tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, việc chọn vị trí đặt hòm thư phải theo trình tự, quy định về độ cao nhất định. Vì nếu cao quá, công nhân sẽ ngại gửi thư làm cho hòm thư góp ý không phát huy được hiệu quả thiết thực mà chỉ mang tính hình thức, đối phó.

Ông Bùi Thanh Nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đánh giá cao vai trò của hòm thư góp ý, ông khẳng định: Hòm thư góp ý là một trong những kênh trao đổi và tiếp nhận thông tin hiệu quả về những vấn đề liên quan đến lao động. Khi tiếp nhận thư góp ý, người tham gia mở hòm thư góp ý phải cam kết không tiết lộ nội dung thư góp ý, bảo đảm bí mật cho người gửi thư. Để CNLĐ góp ý tích cực, các DN phải phản hồi có cơ chế tiếp thu, phản hồi kịp thời và khách quan qua hệ thống các kênh thông tin truyền thông. Tổng hợp đến Ban giám đốc, sau đó trả lời định kỳ qua hệ thống loa phát thanh, bản tin công đoàn… để không chỉ cá nhân và đông đảo CNLĐ được sáng tỏ. Ngoài ra, việc khen thưởng kịp thời cho những CNLĐ đóng góp sáng kiến là điều hết sức cần thiết nhằm khích lệ họ tích cực gửi thư góp ý, xây dựng.

HUỲNH THỦY