Phát huy hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Tiếp tục huy động sức mạnh của các mô hình

Thứ năm, ngày 07/07/2022

(BDO) Theo báo cáo của Sở Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến Giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh, việc triển khai thực hiện PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả với nhiều mô hình từ cơ sở, từ đó giúp người dân nắm bắt những quy định mới kịp thời hơn.

 

Các cơ quan, ban ngành phối hợp tuyên truyền, PBGDPL cho nữ công nhân nhà trọ tại TX.Tân Uyên

 Phát huy hiệu quả ngay từ cơ sở

Theo ông Nguyễn Huỳnh Đình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương, việc phối hợp, thông báo, tuyên truyền pháp luật thông qua hệ thống mặt trận theo nhóm trên Zalo từ tỉnh đến xã, phường ngày càng phát huy hiệu quả do nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là khi không có điều kiện để gặp gỡ trực tiếp. Đối với vùng nông thôn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hoạt động PBGDPL cho người dân được các địa phương quan tâm triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tuyên truyền miệng, cấp phát tờ gấp, tài liệu tuyên truyền, thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở… Đối với người dân theo tín ngưỡng tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã tổ chức tuyên truyền các đạo luật gần gũi, thiết thực với bà con.

Với đối tượng là người lao động trong doanh nghiệp, các cấp, các ngành cũng đã chú trọng triển khai nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, triển khai các văn bản pháp luật có liên quan cho hơn 1.500 đại biểu đại diện các ngành có liên quan và các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Song song đó, các ngành, địa phương, Ban Quản lý các khu công nghiệp thường xuyên thực hiện hướng dẫn và giải đáp pháp luật lao động cho doanh nghiệp; trả lời các nội dung liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính, quy định pháp luật có liên quan thông qua các hình thức như giải đáp trực tiếp hoặc qua điện thoại, giải đáp bằng văn bản, giải đáp thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan liên quan đã thực hiện tuyên truyền pháp luật trực tiếp được 55 cuộc với 54.450 lượt người tham dự; tổ chức 6 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với 1.200 người tham gia... Theo bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, thời gian qua các cấp, các ngành và địa phương đã củng cố và duy trì nhiều mô hình, hoạt động hay để giúp công tác tuyên truyền pháp luật hiệu quả hơn. Có thể kể đến các hoạt động như: Tổ chức ngày hội Công nhân với pháp luật; biên soạn cẩm nang Hôn nhân Gia đình; phát thanh chương trình “Pháp luật và cuộc sống” trong doanh nghiệp; tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa giả định và tuyên truyền pháp luật lưu động cho thanh thiếu niên; các Câu lạc bộ (CLB) Phòng chống tội phạm, CLB Nhà trọ, CLB Cựu chiến binh phòng chống tội phạm, tổ cùng tiến...

Nhiều hoạt động hướng đến đối tượng yếu thế

Theo Hội đồng phối hợp PBGDPL, nhằm trang bị kiến thức cho đối tượng có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực gia đình, hội đồng đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức các hội nghị nói chuyện chuyên đề với nội dung về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam, xây dựng mái ấm gia đình bình đẳng không có bạo lực và kỹ năng chăm sóc, giáo dục, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Các đơn vị tổ chức tuyên truyền pháp luật được 36 cuộc với 3.590 lượt người tham dự, cấp phát 440.200 tờ gấp có nội dung về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; treo 100 băng rôn, 500 tấm cờ phướn tuyên truyền trên các trục đường chính nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình và chiến dịch truyền thông nhân Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; 100% người gây bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn pháp luật miễn phí.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tiếp tục củng cố và duy trì 40 CLB “Phụ nữ với pháp luật” với 1.020 thành viên. Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, các chị đã lồng ghép tổ chức tuyên truyền đến hội viên phụ nữ về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; thông qua các mô hình này đã kịp thời bảo vệ quyền lợi cho chị em phụ nữ khi bị bạo hành gia đình cũng như tuyên truyền đến chị em về quyền lợi trong Luật Hôn nhân gia đình.

Đối tượng là người khuyết tật cũng được quan tâm triển khai PBGDPL, tập huấn tuyên truyền chính sách giảm nghèo và hướng dẫn các mô hình học nghề, tạo việc làm. Trong năm qua các đơn vị liên quan đã tổ chức các lớp tập huấn triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tuyên truyền pháp luật được 29 cuộc với 2.730 lượt người tham dự. Các tổ chức Đoàn Thanh niên trong tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật kết hợp tặng quà, hỗ trợ đối với đối tượng là người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, khiếm thị.

 Theo bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, thời gian qua các cấp, các ngành và địa phương đã củng cố và duy trì nhiều mô hình, hoạt động hay để giúp công tác tuyên truyền pháp luật hiệu quả hơn. Có thể kể đến các hoạt động như: Tổ chức ngày hội Công nhân với pháp luật; chương trình phát thanh “Pháp luật và cuộc sống” trong doanh nghiệp; tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa giả định và tuyên truyền pháp luật lưu động cho thanh thiếu niên; các CLB Phòng chống tội phạm, CLB Nhà trọ, CLB Cựu chiến binh phòng chống tội phạm, tổ cùng tiến...

 QUỲNH NHƯ