Phát huy giá trị sơn mài Tương Bình Hiệp

Thứ ba, ngày 17/12/2024

(BDO) Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) là một trong những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng khắp cả nước và được xem là cái nôi nghề sơn mài của tỉnh Bình Dương. Nét đẹp truyền thống của sơn mài Tương Bình Hiệp được duy trì qua nhiều thế hệ chính là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát trong mỗi chi tiết, đường nét. Đặc biệt, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp được các chuyên gia đánh giá có tính năng chịu đựng được khí hậu hàn đới ở châu Âu khi không bị bong nứt hoặc biến dạng.

 Thời vàng son của Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là giai đoạn thập niên 80, 90 của thế kỷ XX với hơn 90% dân cư tham gia làm nghề. Trong ảnh: Một cửa hàng bán sản phẩm sơn mài trên đường Hồ Văn Cống, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một

 Một thời vàng son

Qua quá trình phát triển, vào thời điểm huy hoàng của nghề sơn mài, các gia đình làm nghề ở Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp lúc bấy giờ đã không ngừng mở rộng sản xuất. Nguồn nhân lực trong gia đình không đủ đáp ứng nhu cầu để sản xuất sơn mài nên đã tiếp nhận lao động anh em trong dòng họ, người hàng xóm, láng giềng. Đỉnh cao của sự phát triển nghề sơn mài là vào khoảng thời gian từ năm 1945-1975; thời điểm này hàng sơn mài rất phong phú, đa dạng và đạt chất lượng nghệ thuật cao, được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và mang lại giá trị thương mại lớn.

Năm 2008, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là làng nghề truyền thống. Năm 2016, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những năm sau khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp tiếp tục phát triển. Trải qua nhiều thế hệ, các cơ sở tại làng nghề vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát, đậm đà tính cách Á Ðông. Làng nghề cũng có khả năng sản xuất đa dạng nhiều loại sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm trang trí như bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp...

Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, cho biết vào những năm 1960, nghề sơn mài phát triển mạnh, “người người làm sơn mài, nhà nhà làm sơn mài”. Lúc đó, tại Thủ Dầu Một có cả phố nghề về sơn mài ở Phú Cường, Chánh Nghĩa, Chánh Hiệp. Đặc biệt, Làng sơn mài Mỹ Hảo, Tân An, Tương Bình Hiệp... hoạt động khá nhộn nhịp, được khách hàng các nơi trong và ngoài tỉnh biết đến. Thời điểm vàng son của Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là giai đoạn thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, làng nghề có trên 400 hộ sản xuất sơn mài, hơn 90% dân cư tham gia làm nghề sơn mài. Sản phẩm làm ra tiêu thụ rất nhanh, thu nhập của người dân ở làng nghề tăng cao.

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà, chính vì vậy đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là làng nghề truyền thống theo Quyết định số 3855 vào năm 2008. Năm 2016, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một vinh dự lớn, sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của nghề sơn mài. Sự kiện này một lần nữa khẳng định vị thế, thương hiệu sơn mài Bình Dương nói chung, sơn mài Tương Bình Hiệp nói riêng trên thương trường về các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ.

 Sản phẩm sơn mài của Cơ sở Sơn mài Định Hòa

 Bảo tồn, phát huy giá trị

Hơn 10 năm trở lại đây, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đối mặt với nhiều thách thức. Hiện tại làng nghề còn khoảng 30 doanh nghiệp, hộ hoạt động sản xuất, kinh doanh sơn mài, với gần 1.000 lao động. Từ những con số này cho thấy Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp dù được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhưng vẫn đang có nguy cơ bị mai một.

 Người thợ cần mẫn thực hiện một công đoạn sản xuất sản phẩm sơn mài

Ông Lê Bá Linh chia sẻ, gắn bó với nghề sơn mài gần 40 năm qua ông đã chứng kiến bao thăng trầm của nghề sơn mài ở Bình Dương. “Sản phẩm sơn mài không thuộc ngành hàng thiết yếu, khi điều kiện kinh tế khá giả người ta mới mua về để trang trí, thưởng thức, làm đẹp cho không gian nhà. Trong bối cảnh nghề sơn mài truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, mình có đơn hàng để làm, để duy trì nghề là mừng rồi. Tôi mong nghề truyền thống này được giữ gìn, phát triển để vừa tạo thu nhập cho các gia đình, công ty gắn bó với nghề này, vừa góp phần gìn giữ truyền thống, nét văn hóa xưa để thấy được Bình Dương có nghề sơn mài độc đáo, khác với các nơi khác”, ông Linh nói.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một” và giao UBND TP.Thủ Dầu Một triển khai thực hiện. Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề; đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ. Đến nay, đề án đã thông qua quy hoạch 1/500 và sẽ triển khai các bước tiếp theo trong thời gian tới.

Với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, cùng sự đồng lòng trong việc gìn giữ nghề truyền thống địa phương của các nghệ nhân, người làm nghề tâm huyết, tin tưởng rằng Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp tiếp tục duy trì, phát triển ổn định, để di sản văn hóa đặc trưng của Bình Dương tiếp tục được bảo tồn, phát huy, phát triển hơn trong thời gian tới.

 Năm 2008, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là làng nghề truyền thống. Năm 2016, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 THOẠI PHƯƠNG - THANH TRÚC