Phát huy dân chủ, khơi dậy tiềm năng
(BDO) Hôm qua (16-7), Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Đánh giá về nhiệm vụ này trong thời gian qua, hội nghị khẳng định: Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với từng loại hình cơ sở có nhiều tiến bộ, đi vào chiều sâu, có chất lượng…
Cùng với một số kết quả đạt được, hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc thực hiện quy chế dân chủ có nơi, có việc còn hình thức, chưa thực chất. Việc công khai một số chương trình dự án, công trình ở một số địa phương chưa đúng quy trình lấy ý kiến của nhân dân; quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, gây bức xúc, khiếu kiện, có nơi khiếu kiện vượt cấp, đông người, nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách đền bù, tái định cư, thu hồi đất đai. Vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương chưa cao. Việc phát huy dân chủ trong tham gia, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa được mở rộng… Bắt đúng bệnh sẽ bốc đúng thuốc, phải thẳng thắn, nhìn nhận đúng thực tế thì mới có giải pháp thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng khi triển khai thực hiện ở các cấp, nhất là cấp cơ sở, vì đây là nơi gắn liền trực tiếp với đời sống của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng một chế độ dân chủ và chỉ rõ vai trò, ý nghĩa của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu và động lực của phát triển xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “dân là chủ”, “mọi quyền hành đều ở nơi dân”, nhân dân thật sự là ông chủ tối cao của chế độ mới. Vì vậy, Đảng ta luôn xác định dân chủ là một trong những mục tiêu, từ đó ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân.
Thực hiện dân chủ theo đúng nghĩa chính là điều kiện quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Đó là động lực khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân. Hơn lúc nào hết, đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội đổi mới nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, việc thực hiện quy chế dân chủ cần phải bỏ ngay những báo cáo mang tính hình thức, cần thực tế hơn, hiệu quả hơn. Có như vậy mới tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.
T.ĐỒNG