KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” (12-1972 / 12-2022)

Phát huy Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc

Thứ bảy, ngày 24/12/2022

(BDO) Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) là lực lượng nòng cốt góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972.

Trong tình hình mới, toàn quân chủng luôn phát huy và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý trong công tác, thực hiện nhiệm vụ. Phóng viên có cuộc phỏng vấn Trung tướng Trần Ngọc Quyến, Chính ủy Quân chủng PK-KQ xoay quanh nội dung này.

Thưa đồng chí, tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết thắng của Bộ đội PK-KQ được thể hiện như thế nào trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972?

Trung tướng Trần Ngọc Quyến: Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972, đế quốc Mỹ huy động 193 máy bay chiến lược B-52; hơn 1.000 máy bay chiến thuật, trong đó có liên đội máy bay F-111 (khoảng 50 chiếc); 6 liên đội tàu sân bay... mở cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu trên miền Bắc nước ta. Sau 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc, nòng cốt là Quân chủng PK-KQ đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, bắn rơi 81 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 34 "pháo đài bay" B-52, bắt sống nhiều giặc lái.

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, việc xây dựng tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược cho bộ đội là bài học lớn, quyết định đến thắng lợi của chiến dịch. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ bản chất, âm mưu của đế quốc Mỹ, thường xuyên chỉ đạo, định hướng tư tưởng, động viên quân và dân ta. Lực lượng PK-KQ luôn theo dõi, nắm chắc hoạt động của máy bay B-52; nêu cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng đối phó với các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc. Từ giữa năm 1966 đến tháng 11-1972, bộ đội tên lửa, radar, không quân vừa chiến đấu, vừa nghiên cứu cách đánh B-52.

Điểm mấu chốt xây dựng tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết thắng là Quân chủng đã huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện có; đồng thời hiểu biết về vũ khí, khí tài, phương tiện của địch để có phương án tác chiến phù hợp; Quân chủng PK-KQ tổ chức đợt huấn luyện đột kích chuyên đề cho tất cả đơn vị về cách đánh B-52. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn chủ động, bước vào cuộc chiến với tâm thế vững vàng, "vạch nhiễu tìm thù", tiêu diệt tại chỗ "pháo đài bay" B-52.

Tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết thắng của Bộ đội PK-KQ còn được thể hiện ở sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong Quân chủng và lực lượng phòng không của các quân khu, các địa phương, tạo thành thế trận tác chiến liên hoàn, rộng khắp, có thể đánh địch từ xa tới gần, từ nhiều hướng, nhiều tầng, nhiều lớp...

Phát huy bài học kinh nghiệm của Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời được Quân chủng thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Trần Ngọc Quyến: Bộ đội PK-KQ luôn đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, tập trung huấn luyện làm chủ, khai thác tốt các loại VKTBKT có trong biên chế; hiểu biết về vũ khí, khí tài, phương tiện của địch để có phương án tác chiến phù hợp. Quá trình huấn luyện bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; chú trọng nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, thực hành chiến đấu ở các cấp. Bám sát thực tiễn các tình huống chiến đấu, từng bước đáp ứng yêu cầu chiến tranh công nghệ cao; thực hiện quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng “tập trung, thống nhất, đồng bộ, chuyên sâu, hiệu quả, không chồng chéo”, tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện theo nhiệm vụ, diễn tập chiến đấu, hiệp đồng quân, binh chủng, huấn luyện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Kết hợp chặt chẽ huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện bản lĩnh, ý chí chiến đấu với nâng cao thể lực bộ đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Đặc biệt, đối với lực lượng không quân, Quân chủng coi trọng huấn luyện phi công trẻ, phi công mũi nhọn, huấn luyện bay trong điều kiện thời tiết, địa hình phức tạp, bay biển xa, bay đêm. Đối với lực lượng phòng không, tập trung nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, thực hành chiến đấu ở các cấp; huấn luyện cho các phân đội cơ động, triển khai, thu hồi VKTBKT.


Trung tướng Trần Ngọc Quyến.

Để xây dựng Quân chủng PK-KQ tiến thẳng lên hiện đại, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng đã xác định những chủ trương, giải pháp gì?

Trung tướng Trần Ngọc Quyến: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân chủng PK-KQ lần thứ X đã xác định: Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong đó, từ nay đến năm 2025, tập trung thực hiện tốt các khâu đột phá: Chấn chỉnh tổ chức, biên chế Quân chủng tinh, gọn, mạnh; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu; đổi mới công tác huấn luyện, giáo dục, đào tạo; tập trung huấn luyện làm chủ VKTBKT mới, cải tiến; coi trọng huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay. Nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý, giáo dục chấp hành pháp luật, kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân chủng.

Thực hiện các nội dung đột phá, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng hai yếu tố là con người và VKTBKT, trong đó, con người đóng vai trò quyết định. Trên cơ sở đó, Quân chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng PK-KQ cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng. Chú trọng xây dựng lực lượng phòng không 3 thứ quân, thế trận phòng không nhân dân; đổi mới công tác giáo dục chính trị, huấn luyện, đào tạo, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật... làm tốt công tác tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về cải tiến, mua sắm VKTBKT mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong mọi tình huống.


Bộ đội Phòng không-Không quân huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc

Việc nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ được Quân chủng thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Trần Ngọc Quyến: Kế thừa nghệ thuật tác chiến PK-KQ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972, Quân chủng PK-KQ đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ trong thế trận chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới, nhất là chống tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch; thực hiện tốt quan điểm: Lấy phòng làm tiên phong, lấy phá làm chủ đạo, lấy chính nghĩa thắng phi nghĩa, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều... xây dựng thế trận phòng không nhân dân nhiều tầng, nhiều lớp; lấy lực lượng phòng không 3 thứ quân làm nòng cốt, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, khai thác và làm chủ VKTBKT, bảo đảm đánh địch từ xa tới gần, tiêu diệt các loại phương tiện vũ khí công nghệ cao của chúng.

Cùng với đó, tập trung xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối không, tổ chức tốt thế trận và lực lượng phòng không 3 thứ quân, không quân toàn quân cân đối trên cơ sở nòng cốt là Bộ đội PK-KQ, tạo thành hệ thống PK-KQ liên hoàn, thống nhất trên từng khu vực và trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, bảo đảm đánh địch từ nhiều hướng, nhiều tầng, tiêu diệt được nhiều phương tiện tập kích đường không. Chủ động nghiên cứu phương pháp, hình thức tác chiến, cách đánh của lực lượng PK-KQ trong điều kiện tác chiến độc lập, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng.

Theo QĐND