Phát hiện thành phố 1.400 tuổi nằm sâu trong rừng

Thứ năm, ngày 20/06/2013

Thông báo ngày 18-6 của Viện Nhân chủng và Lịch sử Quốc gia Mexico (INAH) cho biết một nhóm nhà khảo cổ Mexico và quốc tế vừa phát hiện ra một thành phố cổ nằm sâu trong rừng rậm ở bang Campeche, Đông Nam Mexico.

Thành phố cổ này có niên đại 1.400 năm và thuộc về nền văn minh Maya có từ cách đây 3.000 năm.

Qua nghiên cứu các bức ảnh vệ tinh và sử dụng công nghệ tiên tiến, các nhà khoa học xác định thành phố cổ rộng chừng 22 hécta, gồm một hệ thống tháp, bia đá, đền thờ, sân chơi bóng chày và khu vực dân cư. Các nhà khoa học đã đặt tên cho thành phố cổ này là Chactun (Đá đỏ).

Cháctun nằm trong khu Rio Bec và Chenes, một trong 80 khu khảo cổ quan trọng được tiến hành khai quật và nghiên cứu từ năm 1996 trong khuôn khô dự án Công nhận khảo cổ của bang Campeche.

Nền văn minh cổ Maya mang nhiều nét đặc sắc do một bộ tộc thổ dân châu Mỹ cùng tên dựng lên từ hàng nghìn năm trước. Bộ tộc thổ dân này từng sinh sống trên một vùng rộng lớn bao trùm 6 bang ở Đông Nam Mexico và các quốc gia Guatemala, Honduras, Belize và El Salvador ngày nay.

Nền văn minh Maya phát triển đạt trình độ cao không những về lĩnh vực xây dựng nhà nước, mà còn phát triển rực rỡ cả về kiến trúc, toán học và thiên văn học. Vì vậy, các nước có người Maya sinh sống đã phối hợp xây dựng nhiều tua du lịch tới thăm các công trình kiến trúc của người Maya, đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu và khám phá./.

(TTXVN)