Phát hiện kinh ngạc chưa từng có về xác ướp Ai Cập
(BDO) Xác ướp Ai Cập phát hiện ở thành phố Luxor bên bờ sông Nile có đặc điểm chưa từng có, khiến các nhà nghiên cứu kinh ngạc.
Xác ướp Ai Cập của một người phụ nữ bị đột quỵ.
Nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học New Jersey ở Mỹ, Đại học Alcala ở Tây Ban Nha và Đại học Mỹ ở Cairo đã tìm thấy bằng chứng thuyết phục và mạnh mẽ rằng một xác ướp được phát hiện ở Luxor đã bị chấn thương sọ não vào một thời điểm nào đó trong đời và là nạn nhân của một cơn đột quỵ.
Các tác giả của nghiên cứu viết trong một bài báo gần đây được xuất bản trên tạp chí World Neurosurgery rằng xác ướp thuộc về một phụ nữ sống ở Ai Cập cổ đại. Cô bị đột quỵ, liệt nửa não trái và sống chung với tình trạng này trong vài năm. Đây là loại chấn thương sọ não rất quen thuộc với các bác sĩ lâm sàng trong thời hiện đại.
Kết luận nói trên rất đáng chú ý, vì cho đến nay không có bằng chứng rõ ràng về tổn thương liên quan đến đột quỵ được tìm thấy trong bất kỳ bộ xương cổ đại nào khác trên thế giới.
Người chịu số phận hẩm hiu này là một phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 40, sống ở Ai Cập khoảng 2.700 năm trước. Như vậy, người phụ nữ sống trong Vương triều thứ 25, hay còn gọi là Vương triều Nubia hoặc Đế chế Kush - vương triều cuối cùng của Thời kỳ Chuyển tiếp thứ Ba của Ai Cập cổ đại.
Gia đình hoàng gia của Vương triều 25 là một dòng tộc có nguồn gốc từ Nubia, Vương quốc Kush - ngày nay là Bắc Sudan và miền nam Ai Cập. Hầu hết các nhà khảo cổ đều cho rằng Napata là quê hương của họ. Họ đã trị vì trong một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ của Ai Cập cổ đại, từ năm 760 trước Công nguyên đến 656 trước Công nguyên.
Nhóm khảo cổ Tây Ban Nha đã tìm thấy xác ướp của người phụ nữ ở Draa Abu al-Naga, nơi từng là nghĩa trang cổ đại. Các cuộc khai quật đã được thực hiện ở bờ tây sông Nile gần thành phố Luxor trong hai thập kỷ qua.
Với mục đích của dự án này, các nhà khoa học đã nghiên cứu phần còn lại của xác ướp bằng tia X đặc biệt để có thêm thông tin về cấu trúc xương và các đặc tính khác. Tuy nhiên, chính việc kiểm tra trực tiếp xác ướp đã dẫn đến phát hiện đáng kinh ngạc, và chính những dị tật về xương của xác ướp đã cho thấy điều đó.
Vai người phụ nữ co lại và đầu hướng xuống như thể đang bị ép về hướng đó. Cánh tay phải của xác ướp dang ra bên cạnh cơ thể, nhưng cánh tay trái uốn cong ở khuỷu tay với cẳng tay đặt trên ngực và tay trái ở tư thế rất gập. Hai chân thẳng và đặt cùng nhau, nhưng có thể thấy rõ vị trí của bàn chân trái hơi hướng về phía trước.
Trong quá trình ướp xác, những người thợ đã cố gắng chỉnh sửa vị trí méo mó của đầu và ngực của người phụ nữ. Họ làm điều này bằng cách đặt một cặp gậy sau lưng, giúp xác ướp có tư thế thẳng hơn. Một thanh gỗ khác có hình dáng giống chiếc nạng được đặt bên cạnh xác ướp, có thể vì người phụ nữ cần một cây gậy để đi lại sau khi bị đột quỵ.
Việc phát hiện ra những chiếc gậy trong mộ của người phụ nữ có thể được quan tâm đặc biệt. Phát hiện này có thể buộc các nhà khảo cổ học và Ai Cập học phải đánh giá lại các hiện vật tương tự được phát hiện trong các cuộc khai quật ở khu vực khác trong những năm qua.
Một xác ướp Ai Cập được phát hiện tại nghĩa địa Dahshur, gần kim tự tháp Bent, cách thủ đô Cairo của Ai Cập khoảng 40km về phía nam, năm 2019.
Các tài liệu lịch sử mô tả Vương triều thứ 25 của Ai Cập trong tình trạng suy tàn. Sự bất ổn về chính trị và kinh tế đã tạo điều kiện cho những người Nubia xâm chiếm và kiểm soát đất nước, bắt đầu từ năm 744 trước Công nguyên. Nhưng sự thay đổi thăng trầm trong vận mệnh chính trị của Ai Cập cổ đại không có ảnh hưởng rõ ràng đến tình trạng hoặc sự tiến bộ của y học Ai Cập, vốn vẫn là một trong những nền y học tiên tiến nhất trong thế giới cổ đại hàng nghìn năm.
Với những tiến bộ ấn tượng trong khoa học y tế của Ai Cập cổ đại, sẽ không ngạc nhiên nếu các bác sĩ Ai Cập nhận thức được các cơn đột quỵ, hiểu nguyên nhân và ảnh hưởng của chúng, cũng như thực hiện các biện pháp để giúp những người bị đột quỵ đối phó với tác động lâu dài.
Điều đáng nói là một nghiên cứu năm 2017 cho thấy bộ xương của một linh mục người Italia ở thế kỷ 18 tên là Don Giovanni Arcangeli, người đã bị đột quỵ trước khi qua đời. Cho đến khi phát hiện ra xác ướp Ai Cập cổ đại này, nó đã được xếp vào danh sách những bộ xương lâu đời nhất của một nạn nhân đột quỵ.
Theo LĐO