Phát hiện bản sao Trái Đất ngoài Hệ mặt trời

Chủ nhật, ngày 20/04/2014
Lần đầu tiên, giới khoa học phát hiện hành tinh có tồn tại nước ở dạng lỏng với kích thước tương tự trái đất.

Kepler- 186f có kích cỡ gần bằng trái đất, đặc biệt chứa nước trên bề mặt. Ảnh phát họa của NASA  Kepler- 186f có kích cỡ gần bằng trái đất và chúng chứa nước trên bề mặt. Ảnh: NASA.

Hành tinh được giới khoa học kỳ vọng có khả năng chứa sự sống ngoài trái đất có tên Kepler-186f. Theo mô tả của nhóm thiên văn học trên Tạp chí khoa học Science, đây là hành tinh đầu tiên có nước dạng lỏng trong số các hành tinh đã tìm kiếm.

Kepler-186f có kích thước bằng 1,1 lần kích thước trái đất, cách trái đất 490 năm ánh sáng. Một năm ở Kepler-186f tương đương khoảng 130 ngày. Nhưng khối lượng và thành phần bề mặt của Kepler- 186f vẫn chưa được xác định.

Hành tinh trên nằm trong hệ thống có 4 hành tinh khác quay quanh một ngôi sao lùn đỏ loại M1 có kích thước và khối lượng bằng một nửa mặt trời. Vì vậy, độ sáng của hành tinh này nhận được vào buổi trưa sẽ bằng ở trái đất một giờ trước khi mặt trời lặn.

Hành tinh Kepler- 186f được phát hiện bởi một nhóm các nhà khoa học do Elisa Quintana của Viện Nghiên cứu sự sống ngoài trái đất (SETI) tại trung tâm nghiên cứu Ames của NASA. Đến nay, hàng trăm hành tinh được phát hiện nhưng hầu hết chúng đều có kích thước quá lớn hoặc quá gần sao chủ để có thể hội đủ điều kiện cho sự sống.

"Kích thước là một yếu tố quan trọng. Nếu một hành tinh có kích thước khoảng gấp rưỡi trái đất thì khối lượng của nó sẽ rất lớn. Trọng lực của nó sẽ hút cả hydro và heli khiến khí quyển bao phủ quá dày để thích hợp cho phát triển sự sống", các nhà khoa học cho biết.

TS Steve Howel - một trong những tác giả chính của nghiên cứu cho biết, khả năng Kepler-186f tồn tại nước dạng lỏng sẽ mang lại cơ hội tìm kiếm một sự sống mới ngoài hệ mặt trời.

 NASA phát họa về cảnh quan trên Kepler- 186f . NASA phác họa về cảnh quan trên Kepler- 186f .

Theo VnE