HT Thích Huệ Thông:

“Phật giáo Bình Dương luôn hướng tới cộng đồng bằng tinh thần nhập thế”…

Thứ hai, ngày 09/01/2017

(BDO) Chào mừng Đại hội Phật giáo tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2017-2022), phóng viên Báo Bình Dương có cuộc trò chuyện cùng Hòa thượng (HT) Thích Huệ Thông (ảnh), Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh về công tác Phật sự.

- Thưa HT Thích Huệ Thông, HT có thể đánh giá về việc tổ chức Đại hội Phật giáo các huyện, thị, thành phố cũng như Đại hội Phật giáo cấp tỉnh?

- Đại hội Phật giáo cấp huyện, thị nhiệm kỳ 2016-2021 đã được tổ chức đúng như chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương GHPGVN. Riêng Bình Dương, 9 huyện, thị, thành phố đã tổ chức đại hội thành công từ tháng 4-2016. Đây cũng là bước quan trọng chuẩn bị cho nhân sự, củng cố các ban, của Ban Trị sự ngày một vững vàng hơn. Một điều đáng ghi nhận là Ban Trị sự cấp huyện, thị, thành phố đã tổ chức đại hội đúng theo thời gian quy định, nhân sự đúng với quy định của Trung ương về độ tuổi. Chư tôn túc tăng, ni cao tuổi được mời tiếp tục trong Ban Chứng minh, Ban Cố vấn để dẫn dắt, hướng dẫn thế hệ sau làm tốt công tác Phật sự của địa phương. 

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phật giáo Bình Dương đã thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa theo tinh thần đại đoàn kết, lợi lạc chúng sinh, góp phần thực hiện tốt công tác thiện nguyện, an sinh xã hội. Chương trình từ thiện của Phật giáo không chỉ được thực hiện trong nước mà còn ở các nước như Lào, Campuchia… qua những chuyến thăm, tặng quà hàng năm. Lãnh đạo GHPGVN tỉnh cũng đã làm tốt công tác giáo dục tăng, ni, hướng dẫn bà con phật tử trong các chương trình thi đua chung của tỉnh nhà. Bên cạnh đó là việc củng cố, quản lý tu sĩ, trùng tu và xây dựng mới các cơ sở tự viện trong tỉnh cũng đem lại kết quả tốt đẹp…

Theo Trung ương GHPHVN quy định độ tuổi, điều 2 chương I Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN, cấp huyện, thị được ấn định thành viên tham gia Ban Trị sự GHPGVN. Tuổi đời không quá 60 tuổi, không kiêm nhiệm quá 2 chức danh trong Thường trực Ban Trị sự. Đối với trường hợp các địa phương theo yêu cầu thực tế cần thiết phải có vị tôn túc tăng đủ uy tín tham gia lãnh đạo để nhiếp chúng thì tuổi đời của Trưởng ban Trị sự GHPGVN cấp huyện nhiệm kỳ này được áp dụng linh hoạt, nhưng không quá 70 tuổi theo tinh thần Thông tư 292 của Trung ương Giáo hội. Về nhân sự của Đại hội Phật giáo cấp tỉnh cũng theo hướng này. Chúng tôi phân định theo các thế hệ. Thứ nhất, những vị niên cao lạp trưởng không còn độ tuổi để tiếp tục tham gia theo quy định của Giáo hội, sẽ được cung thỉnh vào hàng Chứng minh và Cố vấn. Tuy chưa có quy định cụ thể về chức năng vai trò của Ban Chứng minh cấp tỉnh nhưng Phật giáo Bình Dương sẽ vận dụng theo hướng của Trung ương về chức năng, vai trò, nhiệm vụ như Hội đồng Chứng minh. Đặc biệt, trong những Phật sự của Phật giáo tỉnh, Ban Trị sự đều tham khảo ý kiến và lắng nghe sự góp ý chỉ đạo của chư tôn đức Ban Chứng minh. Thứ hai, những vị đương nhiệm có độ tuổi từ 50 - 70, đây là những vị đang lãnh đạo và điều hành Phật sự có chiều dài kinh nghiệm, những vị này sẽ có trách nhiệm đào tạo, dẫn dắt thế hệ kế thừa. Thứ ba, thế hệ trẻ tham gia Ban Trị sự sẽ được bố trí vào các chức danh phù hợp để vừa phục vụ vừa học tập kinh nghiệm. Nói chung, nhân sự trong nhiệm kỳ này có định hướng quy hoạch và bố trí vai trò, nhiệm vụ đúng theo khả năng của từng cá nhân.

 Thả bong bóng, chim bồ câu mong cầu hòa bình tại lễ cung nghinh tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới

- Nhiệm kỳ tới, Phật giáo Bình Dương tập trung cho công tác nào, thưa HT?

- Ổn định, kế thừa và phát triển là chủ đề, định hướng chung của Trung ương GHPGVN. Phật giáo Bình Dương cũng phát triển theo tinh thần này. Tuy nhiên, ngoài tinh thần cơ bản trên, Phật giáo Bình Dương sẽ nâng cao vai trò trách nhiệm của người lãnh đạo phát huy trí tuệ, chấp hành kỷ cương và hòa hợp. Sau đại hội, nhân sự được củng cố lại, Ban Trị sự sẽ họp bàn và phân công cụ thể cho từng ban. Từ đó, các ban làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình, tránh sự trùng lắp, chồng chéo và hiệu quả không cao.

Củng cố về nhân sự, thống kê số lượng tăng, ni tại các cơ sở tự viện quan tâm hơn cho thế hệ tăng ni trẻ, xây dựng quy chế trách nhiệm của người trụ trì, Bổn sư khi thâu nhận đệ tử và đặc biệt là thống kê số lượng tín đồ Phật giáo là việc cần làm. Có tổ chức và theo dõi sát sao hơn về nhân sự là điều luôn cần thiết. Chúng tôi cũng giao trách nhiệm cụ thể, quan trọng hơn cho các trụ trì để không xảy ra những việc ngoài dự kiến, để thuận tiện trong việc quản lý cơ sở tự viện.

Các vấn đề khác như trùng tu, sửa chữa cơ sở tự viện, tài chính, từ thiện xã hội… vẫn là những việc phải thường xuyên quan tâm. Văn hóa và nghi lễ trong các hoạt động Phật sự cũng cần củng cố và theo dõi thường xuyên để các hoạt động Phật sự từ trọng đại đến thường niên được trang nghiêm, trọng thể.

- Thưa HT, năm qua có nhiều thông tin chính thống và không chính thống về Phật giáo, có nhiều thông tin gây lo lắng cho mọi người nói chung và phật tử nói riêng, HT đánh giá gì về điều này?

- Đúng là như vậy thật! Nhưng chúng ta cần có tri kiến, chính kiến, đừng vội vàng tin vào những điều mà mình nghe được, đọc được trên mạng xã hội. Thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay mọi người cần bình tĩnh hơn nữa. Phật giáo luôn đồng hành với dân tộc, hướng tới cộng đồng bằng tinh thần nhập thế. Thế nên, trước một rừng thông tin về Phật giáo nói chung, chư tôn đức, tăng, ni nói riêng chúng ta phải cẩn thận suy nghĩ. Cần tìm hiểu rõ ngọn nguồn, nắm bắt thông tin từ nhiều chiều và tự hỏi xem có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Hầu như ngày nay, mỗi người là một… nhà báo với thiết bị truyền tin nhanh nhạy cực kỳ là chiếc điện thoại thông minh. Bởi vậy, mỗi điều mà mọi người like, share trên mạng cũng như con dao hai lưỡi, nó sẽ làm tổn thương mình, tổn thương người bằng những lời lẽ không hay. Hãy luôn tin tưởng vào điều tốt đẹp mà Đức Phật mang đến cho chúng ta. Có như thế, tâm mới tĩnh tại giữa biết bao thị phi của cuộc đời, như câu nói của Thiền môn: “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

- Xin cảm ơn HT! 

 HƯƠNG CẦN (thực hiện)

Từ khóa: