Phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 40

Thứ ba, ngày 21/12/2010

Hàng năm, Liên minh Bưu chính thế giới (viết tắt là UPU) phối hợp cùng UNESCO tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế dành cho trẻ em, nhằm góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi; tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ; đồng thời giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.

Sau 20 năm Việt Nam tham gia cuộc thi viết thư quốc tế do UPU  tổ chức, lần đầu tiên học sinh Việt Nam đã giành được giải Nhất quốc tế tại cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 39 (năm 2010).

Năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tập đoàn Bưu chính Việt Nam/Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 40 (năm 2011).

Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương đề nghị các đơn vị phối hợp tổ chức phát động hưởng ứng cuộc thi, triển khai đến các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị; các Trường học và các Huyện Đoàn để các em thiếu nhi nắm được nội dung, chủ đề, cơ cấu giải thưởng và thời gian viết bài dự thi, cụ thể như sau:

1. Chủ đề cuộc thi lần thứ 40: “Hãy tưởng tượng mình là một cây đang sống trong khu rừng. Em hãy viết thư cho một người nào đó, để giải thích vì sao việc bảo vệ rừng là rất quan trọng”. (Tiếng Anh: Imagine you are a tree living in a forest. Write a letter to someone to explain why it is important to protect forests).

2. Đối tượng phát động cuộc thi: Tất cả thiếu nhi, học sinh Việt Nam từ 15 tuổi trở xuống (từ lớp 5 đến lớp 10, năm học 2010-2011).

3. Thể lệ Cuộc thi: (văn bản đính kèm).

Đây là cuộc thi quốc tế, là dịp tốt để các em thể hiện tài năng. Các thí sinh đoạt giải sẽ được công nhận Học sinh giỏi Quốc gia môn Văn tương ứng và được cộng điểm khi xét chuyển cấp. Đề nghị các đơn vị phối hợp, quan tâm triển khai nhanh đợt hưởng ứng cuộc thi này để các em thiếu nhi có nhiều thời gian đầu tư viết bài tham gia.

SỞ THÔNG TIN – TRUYỀN THÔNG

  THỂ LỆ CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 40 – NĂM 2011

A.        ĐƠN VỊ TỔ CHỨC:

-       Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong;

-       Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam

B. MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA:

Liên minh Bưu chính thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế dành cho trẻ em hàng năm, nhằm:

-       Góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em thiếu nhi.

-       Tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ.

-       Giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.

C. CHỦ ĐỀ:

Đề tài cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 40 (năm 2011) là:“Hãy tưởng tượng mình là một cây đang sống trong khu rừng. Em hãy viết thư cho một người nào đó, để giải thích vì sao việc bảo vệ rừng là rất quan trọng”.

(Tiếng Anh: Imagine you are a tree living in a forest. Write a letter to someone to explain why it is important to protect forests).

D.THỂ LỆ:

1.       Điều kiện dự thi: Tất cả thiếu nhi, học sinh Việt Nam từ 15 tuổi trở xuống (từ lớp 5 đến lớp 10, năm học 2010-2011) đều được dự thi. Bài dự thi phải dán tem và gửi qua đường bưu điện.

2.       Quy định về bài thi:

-            Bài thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ.

-            Các bài viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp phải có bản dịch sang tiếng Việt  (Ban Giám khảo chấm bản tiếng Việt).

-            Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy, ghi đầy đủ: họ tên, nam, nữ, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình (viết vào góc bên phải, bên trên bài dự thi). Không nhận bài photocopy và bài viết trên máy vi tính.

-            Ngoài phong bì cần dán tem và ghi rõ: Dự thi UPU  40 – 2011

3.       Nơi nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5 – Hòa Mã – Hà Nội.

4.       Thời gian: từ ngày 15-10-2010 đến 8-3-2011 (theo dấu bưu điện)

5.       Lưu ý:  -  Bài thi đoạt giải bản quyền thuộc về Ban Tổ chức

-            Bài ghi không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.

E. GIẢI THƯỞNG:

1.       Giải thưởng quốc gia:

a.          Các thí sinh đoạt giải sẽ được công nhận Học sinh giỏi quốc gia môn Văn tương ứng và được cộng điểm khi xét chuyển cấp.

b.          Các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.

c.          Ban Tổ chức hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nghỉ cho các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì,Ba (kèm 2 người thân: phụ huynh và nhà trường) về Hà Nội dự Lễ Tổng kết và Trao giải thưởng.

                    i.              Giải cá nhân:

1.          1 giải Nhất: 5.000.000đ; 3 giải Nhì mỗi giải: 3.000.000đ; 5 giải Ba mỗi giải: 2.000.000đ; 30 giải Khuyến khích mỗi giải: 1.000.000đ

2.          Ngoài ra còn có các giải phụ dành cho các thí sinh lọt vào vòng chung kết

3.          Giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất: 1.000.000đ, giải dành cho thí sinh là người dân tộc: 1.000.000đ, giải dành cho thí sinh là người khuyết tật: 1.000.000đ

a.   Giải tập thể:

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen cho các trường có học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và các đơn vị có phong trào tốt.

2.       Giải thưởng Quốc tế:

Bức thư đoạt giải Nhất Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để tham dự cuộc thi quốc tế. Nếu đoạt giải, sẽ được tặng thưởng:

-           Giải Nhất: 30 triệu đồng

-           Giải Nhì: 20 triệu đồng

-           Giải Ba: 15 triệu đồng

-           Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tặng Bằng khen cho thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba Quốc tế. Ban Tổ chức sẽ đề nghị T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có hình thức khen thưởng phù hợp. UPU sẽ tổ chức trao giải Nhất Quốc tế cho thí sinh đoạt giải tại Trụ sở chính tại Bern (Thụy Sĩ).

F. BAN TỔ CHỨC:

Trưởng ban: Ông Nguyễn Thành Hưng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Phó trưởng ban:

-            Ông Vũ Quang Vinh, Tổng biên tập Báo TNTP (Phó trưởng ban Thường trực)

-            Bà Quản Duy Ngân Hà, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

-            Bà Lê Thị Kim Hà, Phó Tổng giám đốc – Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam

-            Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ công tác HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

-            Bà Trần Thị Minh Hà, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và môi trường.

-            Ông Đỗ Trọng Kim, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

-            Và 15 Ủy viên.

G. BAN GIÁM KHẢO:

Trưởng Ban: nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam

Phó trưởng ban: Nhà biên kịch Vũ Quang Vinh, Tổng Biên tập Báo TNTP.

Các ủy viên:

Nhà báo Phạm Thành Long, nhà văn Lê Phương Liên, nhà thơ Định Hải, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Trần Thiên Hương, nhà văn Tạ Duy Anh, nhà báo Nguyễn Đoàn, cô Trần Thị Kim Dung (chuyên viên phụ trách bộ môn Ngữ Văn, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

 

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

 

GIÚP CÁC EM LÀM TỐT BÀI THI

Nhằm giúp các em hiểu rõ ý và có thêm kiến thức để làm tốt bài thi UPU 40, BáoTNTP có một số gợi ý như sau:

A.          HÃY TƯỞNG TƯỢNG MÌNH LÀ MỘT CÂY SỐNG TRONG RỪNG:

Thiên nhiên – từ ngàn xưa tới nay luôn luôn gắn bó và cần thiết với con người. Tuy nhiên, do nhu cầu sống, con người đã khai thác quá mức, dẫn đến tình trạng thiên nhiên bị tàn phá nặng nề, khiến môi trường và khí hậu thay đổi theo chiều hướng xấu, đe dọa sự sống của Trái đất và của con người. Vì vậy, việc bảo vệ thiên nhiên nói chung – bảo vệ rừng nói riêng – là nhiệm vụ vô cùng hệ trọng đối với toàn nhân loại.

Qua sách báo, phim ảnh, các em đã hình dung những khu rừng nguyên sinh rậm rạp, với bao loài cây cổ thụ và muôn loài hoang thú. Vậy thì các em hãy chọn cho mình một trong những loại cây ấy, có thể là Chò Chỉ, Lim, Lát, cũng có thể là những cây thân quen: bạch đàn, phi lao…v.v. Điều quan trọng là những loài cây ấy được các em gửi gắm nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của mình. Cùng với đó là hoàn cảnh, tình huống cụ thể phù hợp mà câu chuyện xảy ra.

Trong khu rừng đâu chỉ có cây cối cần được bảo vệ, vì còn muôn loài, muông thú. Nhưng “chủ nhân” của rừng là cây cối. Bởi thế, cây là đại diện cho tất cả cư dân của rừng. Vì vậy “tiếng nói” của cây là của cả khu rừng. Sự tưởng tượng chắp cho suy nghĩ và cách diễn đạt của các em có thêm đôi cánh bay bổng. Những vấn đề đặt ra cũng hết sức đa dạng, rộng mở. Có thể là mình đang là cây cổ thụ, từng chứng kiến bao thăng trầm của khu rừng, nay bất ngờ vì những sự đổi thay mà con người đang tiến hành. Có thể là cây non đang lớn lên với nhiều ngỡ ngàng của cuộc sống xung quanh được che chở bởi sự chăm sóc, bảo vệ của mọi người, v.v..

B.        EM HÃY IVỆT THƯ CHO NGƯỜI NÀO ĐÓ, ĐỂ GIẢI THÍCH VÌ SAO VIỆC BẢO VỆ RỪNG LÀ RẤT QUAN TRỌNG

1.       Bảo vệ rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với đời sống con người.

Ai cũng biết rừng là lá phổi của Trái đất. Nếu như tất cả thực vật trên Trái đất đã tạo ra 53 tỷ tấn sinh khối (ở trạng thái khí tuyệt đối là 64%) thì rừng chiếm 37 tỷ tấn (70%) và các cây rừng sẽ thải ra 52,5 tỷ tấn (hay 44%) dưỡng khí để phục vụ cho hô hấp của con người, động vật và sâu bọ trên Trái đất trong khoảng 2 năm.

Rừng là thảm thực vật của những cây gỗ trên bề mặt Trái đất giữ vai trò to lớn đối với con người như: Cung cấp gỗ, củi, điều hòa khí hậu, tạo ra Oxy, điều hòa nước, nơi cư trú động thực vật và tang trữ các nguồn gen quý hiếm.

Rừng bảo vệ và ngăn chặn gió bão. Lượng xói mòn của vùng đất có rừng chỉ bằng 10% lượng đất xói mòn của vùng đất không có rừng.

Rừng là nguồn gen vô tận của con người, là nơi cư trú của các loài động thực vật quý hiếm.

2.       Bảo vệ như thế nào để rừng được giữ vẹn toàn.

a.      Phá rừng là quá trình chuyển đổi hay sự thay đổi của các lớp phủ mặt đất từ rừng sang các trạng thái khác.

b.      Việc phá rừng thường do từ nguyên nhân chủ quan.

-          Do nhận thức của con người, khai thác không đúng quy hoạch.

-          Do tập tục du canh du cư, đốt nương làm rẫy của một số cộng đồng thiểu số bà con dân tộc vùng cao.

-          Do quá trình chuyển hóa đất từ sản xuất lâm nghiệp sang sản xuất nông nghiệp.

-          Do xây dựng cơ bản, xây dựng đường giao thông, công trình thủy điện…

-          Do hoạt động phá rừng của bọn lâm tặc nhằm để lấy lâm sản.

c.      Để bảo vệ rừng cần:

-          Tuyên truyền nhắc nhở mọi người thấy rõ những tầm quan trọng và cần thiết của việc chăm sóc, bảo vệ rừng, ngăn chặn những hành động, việc làm tổn thương đến rừng.

-          Có kế hoạch và thực hiện chương trình phủ xanh đồi trọc của nhà nước, địa phương đề ra.

-          Bỏ lối sống du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy.

C.        ĐỂ CÓ MỘT BỨC THƯ HAY

Đề tài năm nay rất gần gũi và cần thiết với mỗi người, đặc biệt là với đối tượng các em học sinh, những chủ nhân tương lai có trách nhiệm gìn giữ và chăm sóc môi trường nói chung, rừng nói riêng. Bởi vậy, chắc chắn sẽ không khó khi các em viết bức thư nhưng muốn hay, đặc sắc vẫn đòi hỏi sự suy nghĩ, chọn lựa những tình huống, câu chuyện “đắt” để nêu bật được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng. Đọc xong bức thư, người đọc không chỉ thấy rõ trách nhiệm mà còn bị lay động bởi nguyện vọng, mong muốn của em trong việc bảo vệ, gìn giữ lá phổi của Trái đất.

Đối tượng gửi thư có thể là những người thân, cha mẹ, bạn bè…, cũng có thể là những người có trách nhiệm đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng (bác kiểm lâm), những người nổi tiếng, có vị trí, uy tín, ảnh hưởng trong xã hội, cộng đồng…

Điều các em cần hết sức lưu ý: Đây là bức thư văn học, nên bài viết phải giàu cảm xúc, hình ảnh. Tránh lối viết dễ dãi, sáo mòn. Kết thúc để lại ấn tượng với người đọc.