Pháp nhiều khả năng chưa triển khai chiến lược 100% năng lượng sạch
(BDO)
Bộ trưởng Môi trường Pháp Elisabeth Borne. (Nguồn: usinenouvelle)
Pháp chưa quyết định liệu có xây thêm các lò phản ứng hạt nhân nữa hay không và có thể nước này chưa thực hiện chiến lược sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch trong dài hạn.
Trên đây là tuyên bố của Bộ trưởng Môi trường Pháp Elisabeth Borne trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Europe 1 ngày 21/10, sau khi Công ty Điện lực quốc gia Pháp EDF hồi tuần trước cho rằng nước này đang chuẩn bị xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân mới.
EDF hiện đang điều hành toàn bộ 58 nhà máy điện hạt nhân tại Pháp, vốn đáp ứng tới 75% nhu cầu tiêu dùng điện năng trong nước.
Bộ trưởng Borne nhấn mạnh EDF không quyết định chính sách năng lượng của Pháp, và việc xây thêm lò phản ứng hạt nhân vẫn chưa được quyết định.
[Pháp khánh thành nhà máy năng lượng Mặt Trời nổi lớn nhất châu Âu]
Theo chính sách về năng lượng được công bố trước đó, nước Pháp đặt mục tiêu đến năm 2035 giảm tỷ lệ lượng điện hạt nhân trong tổng lượng điện năng xuống còn 50% và tăng tỷ lệ khai thác năng lượng sạch. Bà chỉ rõ Chính phủ Pháp đang xem xét kế hoạch sử dụng 100% năng lượng sạch.
Theo Bộ trưởng Borne, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần khẳng định rằng chưa có quyết định cuối cùng về việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới cho đến khi việc xây dựng lò phản hạt nhân thế hệ thứ 3 (EPR) tại nhà máy điện hạt nhân Flamanville, miền Bắc nước Pháp, được triển khai.
Do vấn đề về kỹ thuật và chi phí đội lên, thời hạn hoàn tất EPR tại nhà máy điện hạt nhân Flamanville đã bị lùi lại đến năm 2023, chậm hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu.
Tuyên bố trên làm dấy lên sự hoài nghi trong chính sách năng lượng sạch mà nước Pháp bấy lâu nay thúc đẩy và cam kết.
Hồi tuần trước, một bài báo đăng tải trên trang điện tử báo Le Monde dẫn lời bà Borne và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết hai quan chức này đã gửi thư yêu cầu EDF chuẩn bị kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân mới trong 15 năm tới./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)