Pháp đối mặt nhiều thách thức khi can thiệp vào Mali
Hành động can thiệp quân sự của Pháp chống lại lực lượng Hồi giáo ở Mali sẽ gây ra những hậu quả cho công dân Pháp.
Sự can thiệp quân sự vào Mali của Pháp đã bước sang ngày thứ 4 sau cuộc không kích hôm 11-1 vừa qua. Hơn 500 binh sỹ Pháp cùng nhiều vũ khí hạng nặng được chuyển đến Mali để giúp chính phủ nước này đối phó với quân nổi dậy. Chính phủ Pháp ngày 14-1 cũng đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) triệu tập một cuộc họp về cuộc khủng hoảng chính trị tại Mali, trong đó tập trung bàn về chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp. Mặc dù nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, song Pháp sẽ phải đối mặt với không ít thách thức khi can thiệp quân sự vào quốc gia Tây Phi này.
Quân đội Pháp được tăng cường đến Mali Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud cho biết, Hội đồng Bảo an ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự do Pháp đứng đầu theo yêu cầu của chính phủ Mali.
Giải thích về hành động can thiệp quân sự của Pháp, Đại sứ Gerard Araud cho biết: “Các nhóm khủng bố đã mở các cuộc tấn công vào thành phố Kona và vào thời điểm hiện nay, theo đánh giá của chúng tôi, chúng có thể tiến về thủ đô Bamako. Do đó, trên cơ sở Mali là một nhà nước ổn định của châu Phi, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác là phải tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự cho đến khi nào chúng tôi thấy cần thiết phải dừng lại”.
Hiện Pháp đang triển khai khoảng 500 binh sĩ tại Mali và sự can thiệp này được Liên minh châu Âu (EU), NATO và Mỹ ủng hộ. Anh cung cấp hỗ trợ hậu cần bằng các máy bay vận tải, còn Đức ngày 14/1 tuyên bố đang xem xét cách thức giúp Pháp trong sứ mệnh tại Mali, ví dụ như cung cấp hậu cần, y tế hoặc cứu trợ nhân đạo.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 14-1, Thủ tướng Canada Stephen Harper cho biết: “Chúng tôi đáp lại yêu cầu của Pháp về hỗ trợ hậu cần. Tôi đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Pháp, chúng tôi quyết định hỗ trợ về hậu cần trong thời gian một tuần. Chính phủ Canada không có ý định tham gia vào hành động can thiệp quân sự vào Mali. Tôi cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về các nước châu Phi”.
Bên cạnh sự hậu thuẫn và ủng hộ đối với Paris, chiến dịch quân sự của Pháp cũng vấp phải những mối đe dọa và thách thức. Cựu Thủ tướng Pháp Villepin cho rằng, lập luận của chính quyền Pháp về "cuộc chiến chống khủng bố" khiến ông lo lắng. Theo ông Villepin, xét bối cảnh hiện tại, các điều kiện thành công đối với Pháp chưa hội đủ ở Mali.
Ngoài ra, có những mối đe dọa khác không thể xem nhẹ với nước Pháp. Người phát ngôn của lực lượng Hồi giáo cực đoan Ansar Dine, Sanda Ould Boumama tuyên bố hành động can thiệp quân sự của Pháp chống lại lực lượng Hồi giáo ở Mali sẽ gây ra những hậu quả cho công dân Pháp sống trong thế giới Hồi giáo. Trong khi đó, đại diện phát ngôn của tổ chức Abdallah al Chinguetti đã kêu gọi Pháp xem xét lại hành động can thiệp ở Mali khi đề cập đến số phận các con tin người Pháp đang nằm trong tay các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở châu Phi.
Theo VOV