Pháp: Biểu tình leo thang dữ dội
Tình hình hỗn loạn tại Pháp leo thang dữ dội khi những người biểu tình chặn mọi con đường dẫn vào các sân bay và tấn công các cửa hiệu, trong khi Tổng thống Nicolas Sarkozy khẳng định dự án cải cách về hưu bổng sẽ được thông qua và thực hiện.
Những cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp đã trở thành bạo động dữ dội trên đường phố tại nhiều thành phố khi thanh niên tham gia hỗn chiến với cảnh sát. Hàng trăm chuyến bay đã bị hủy bỏ, dòng người xếp hàng rồng rắn trước các cây xăng dài ra hơn và dịch vụ đường sắt trong nhiều vùng ở Pháp đã giảm tới 50%. Nhiều cửa hàng bị phá vỡ cửa kính. Nhiều xe và vỏ xe bị đốt trên đường phố.
Cảnh sát ở thành phố gần Paris dùng đạn hơi cay giải tán biểu tình.
Chính quyền Pháp vẫn tỏ thái độ cứng rắn bất chấp cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp, với sự tham gia của 3,5 triệu người ngày 19-10 - theo số liệu của giới công đoàn. Hôm qua, Tổng thống Sakorzy đã ra lệnh giải tỏa toàn bộ các kho dự trữ xăng dầu trên toàn nước Pháp. Tại phía tây nước Pháp, cảnh sát đã đẩy người biểu tình ra khỏi các cây xăng nhằm cố gắng khôi phục lại nguồn tiếp tế xăng dầu đang cạn kiệt do biểu tình ở nước này.
Trong khi đó, các liên đoàn lao động nhất định đẩy mạnh sức ép đến chính phủ phải nhượng bộ. Để gây áp lực với chính phủ, từ nhiều ngày qua, những người lao động đã bao vây, phong tỏa các nhà lọc dầu và các kho dự trữ nhiên liệu, gây ra tình trạng khan hiếm xăng dầu. Tính cho đến ngày 19-10, gần 4.000 trạm bán xăng dầu trong tổng số 12.500 trạm trên toàn nước Pháp - tức là gần 1/3 tổng số các cây xăng ở Pháp, đã cạn khô.
Tổng thống Sarkozy nói “nhiệm vụ của chính phủ là phải tiến hành cải tổ luật về tuổi về hưu”. Cũng như Pháp, nhiều quốc gia châu Âu đang siết lưng buộc bụng để giảm mức thâm thủng ngân sách kỷ lục và những món nợ khổng lồ.
Bạo động đã bùng nổ dữ dội ở khu ngoại ô thành phố Nanterre và thành phố lớn thứ hai của Pháp là Lyon. Các quan sát viên cho rằng cảnh sát ở những nơi này không sao ngăn được tình trạng hỗn loạn.
Sân bay Orly đã bị những người mặc áo phản quang và vẫy cờ của các liên đoàn lao động phong tỏa. Giới chức tại sân bay nhìn nhận “sẽ có khó khăn nghiêm trọng cho hoạt động của sân bay”. Tại sân bay Charles de Gaulle phía bắc Paris, nhiều người đã xông vào, phá vỡ hàng rào của cảnh sát. Các sân bay ở Clermont-Ferrand ở phía nam, các sân bay của những thành phố nổi tiếng Nice và Nantes đều lâm vào tình cảnh tương tự.
Hệ thống giao thông vận tải công cộng cũng bị xáo trộn do một bộ phận nhân viên ngành xe lửa vẫn tiếp tục đình công.
Hôm nay (21-10), các công đoàn Pháp tuyên bố sẽ họp với nhau để quyết định các hành động tiếp theo. Trong khi đó, giới sinh viên, học sinh bắt đầu tham gia vào phong trào biểu tình. Hôm qua, bộ Giáo dục Pháp cho biết có 178 trường trung học bị phong tỏa. Cũng trong ngày hôm qua, các sinh viên và học sinh đã biểu tình trước trụ sở Thượng viện, cố ngăn không cho Thượng Viện thông qua dự luật tăng tuổi về hưu từ 60 lên 62.
Trong khi đó, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ là ông Brice Hortefeux cho biết: “Quyền biểu tình không có nghĩa là có quyền phá hoại, có quyền cướp phá, đốt vỏ xe, đốt xe rồi tấn công ăn cướp. Chúng tôi sẽ dùng mọi phương tiện trấn áp nhóm này”.
Trong tuần qua đã có 1.423 người biểu tình bị bắt do gây rối bạo động và có 62 cảnh sát Pháp bị thương. Lyon lại nổ ra hỗn chiến ngày hôm qua với 700 cảnh sát đàn áp bằng hơi cay.
Theo Dân Trí