Phân tích chỉ số cải cách hành chính năm 2018: - Bài 2

Thứ sáu, ngày 07/06/2019

(BDO) Bài 2: Thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao Chỉ số cải cách hành chính

 Báo Bình Dương ra ngày 6-6 đã có bài phân tích khá kỹ về tổng quan các tiêu chí (TC), tiêu chí thành phần (TCTP) được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 của tỉnh Bình Dương. Thời gian tới, Bình Dương thực hiện đồng bộ những giải pháp để nâng cao Chỉ số CCHC

 Từng cán bộ “một cửa” phải nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân để góp phần cải thiện Chỉ số CCHC. Trong ảnh: Cán bộ “một cửa” UBND TX.Bến Cát giải quyết TTHC cho người dân

 Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết Chỉ số CCHC năm 2018 của tỉnh Bình Dương vẫn còn những lĩnh vực, TC, TCTP giảm điểm hoặc không có điểm. Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì những TC, TCTP đạt điểm cao và cải thiện những TC, TCTP giảm điểm hoặc không đạt điểm, Sở Nội vụ đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung CCHC theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác CCHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Cùng với đó là kịp thời động viên, khuyến khích, khen thưởng tập thể, cá nhân có những sáng kiến hay, giải pháp tốt, cách làm hiệu quả trong công tác CCHC.

Ông Lý Văn Đẹp cho rằng, để nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh trong năm tiếp theo thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác CCHC là rất lớn, nhất là trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai phổ biến, tuyên truyền về kết quả Chỉ số CCHC trong phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác CCHC và việc xác định Chỉ số CCHC hàng năm của tỉnh. “Vai trò của thủ trưởng các sở, ban ngành trong việc chỉ đạo tập trung rà soát các TC, TCTP thấp điểm hoặc không đạt điểm thuộc lĩnh vực tham mưu của ngành mình là rất quan trọng. Qua đó, đề ra các giải pháp cụ thể, chỉ đạo quyết liệt, nâng cao trách nhiệm công vụ nhằm cải thiện điểm số và nâng cao thứ hạng của Chỉ số CCHC của tỉnh những năm tiếp theo một cách đồng bộ, vững chắc”, ông Lý Văn Đẹp khẳng định.

Theo giải pháp cụ thể của Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh thì trong thời gian tới, Sở Tư pháp cần tham mưu báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật hàng năm của tỉnh đúng thời gian quy định của Bộ Tư pháp để đạt điểm chuẩn cao hơn. Văn phòng UBND tỉnh tham mưu thực hiện tốt các nội dung của lĩnh vực cải cách TTHC. Sở Nội vụ tham mưu thực hiện tốt các nội dung của lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy và lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sở Tài chính tham mưu thực hiện tốt các nội dung của lĩnh vực cải cách tài chính công. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu thực hiện tốt các nội dung của lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thực hiện tốt nội dung thống kê chính xác số liệu về doanh nghiệp thành lập mới trong năm…

Chú trọng yếu tố con người

Theo ông Lý Văn Đẹp, mục đích cuối cùng của việc cải thiện Chỉ số CCHC hàng năm là nhằm phục vụ lợi ích người dân, doanh nghiệp trong công tác giải quyết hành chính, tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở. “Do vậy, yếu tố con người trong công tác CCHC là rất quan trọng, mang tính quyết định đến sự thành công chung của công tác CCHC của ngành, đơn vị, địa phương, bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ”, ông Đẹp nói.

Thực tế cho thấy trong toàn tỉnh vẫn tồn tại một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức còn yếu kém về năng lực, trình độ xử lý các vấn đề, thiếu kỹ năng hành chính hiện đại và chưa quen với phương thức hoạt động của bộ máy Nhà nước trong nền hành chính hiện đại, dân chủ. Từ thực tế này, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp, nhất là Sở Nội vụ thực hiện đồng bộ các giải pháp “nâng chất” cán bộ, công chức, chú trọng đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công vụ của cán bộ, cán bộ phụ trách tiếp dân, trực tiếp giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Con số hơn 100 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho cán bộ các cấp trong thời gian qua đã khẳng định những giải pháp quyết liệt của tỉnh trong việc “nâng chất” yếu tố con người. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp phải tuyển chọn, bố trí đúng cán bộ, đáp ứng được yêu cầu công việc.

Ông Lý Văn Đẹp đề xuất để thực hiện công tác CCHC có hiệu quả, việc làm đầu tiên là phải quan tâm đến công tác cán bộ. Vì cán bộ là dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, Nhà nước thi hành trong nhân dân. Nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Trong công tác CCHC cũng vậy, có đầu tư cơ sở hạ tầng tốt cách mấy, hiện đại cách mấy, nếu không có cán bộ có “tâm và tầm” thì cũng không đạt được thành công như mong muốn. Do vậy, những giải pháp của tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trong thời gian tới là luôn chú ý việc nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở.

 Cải thiện Chỉ số CCHC của tỉnh Bình Dương là một trong những vấn đề quan trọng, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành; cần có những phân tích, đánh giá cụ thể các TC, TCTP để phát huy các mặt mạnh, đề ra các giải pháp khắc phục nhanh TC, TCTP có điểm số thấp, thứ hạng thấp để cùng nhau phấn đấu với thái độ cầu thị và tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao, góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh Bình Dương trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

 HỒ VĂN