Phần thưởng của các chính trị gia châu Á mùa Giáng sinh
(BDO) Với nhiều người, ông già Noel trong mùa Giáng Sinh chỉ là một hình tượng biểu trưng và món quà của ông già Noel vì vậy cũng mang theo giá trị tinh thần. Điểm lại năm 2019 tại châu Á, những cái tên nào đáng nhận “phần thưởng” cả theo nghĩa tích cực và tiêu cực từ ông già Noel?
“Người chuyên phá hỏng các buổi tiệc”
Nếu Grinch, một nhân vật hoạt hình có thể đánh cắp cả lễ Giáng sinh thì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể hủy hoại cả “buổi tiệc” thương mại của châu Á bằng việc rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Khi 15 nước châu Á đang nỗ lực hướng tới hiện thực hóa “giấc mơ” RCEP vốn dang dở trong nhiều năm liền thì ông Modi, đại diện cho Ấn Độ (thành viên tham gia đàm phán RCEP trong nhiều năm qua) đã đưa ra lựa chọn khá dễ dàng là hoãn việc tham gia RCEP. Khi cả đoàn tàu gồm 15 nước vẫn đang đi, chỉ có Ấn Độ đứng lại với lý do riêng của họ. Nếu có cả Ấn Độ, RCEP sẽ chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và một nửa dân số thế giới, biến đây trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Ông Modi không chỉ “nổi tiếng” ở các cuộc đàm phán đa phương mà ngay ở trong nước, chính sách công nhận quốc tịch mới của ông cũng đang gây tranh cãi, thổi bùng ngọn lửa căng thẳng sắc tộc, trong khi nền kinh tế vẫn chưa thể hiện được tốt tiềm năng với tư cách là một cường quốc khu vực.
“May hơn khôn”
Giống như việc vận động viên trượt băng tốc độ Steven Bradbury người Australia may mắn giành được tấm huy chương vàng tại Thế vận hội mùa Đông năm 2002 khi các đối thủ của anh lần lượt gặp tai nạn ngay trước vạch đích, Thủ tướng Shinzo Abe đã lần lượt loại bỏ các đối thủ, trở thành Thủ tướng Nhật Bản tại vị lâu nhất sau khi cầm quyền 2.887 ngày. Và, với sự thiếu vắng người kế nhiệm đáng tin cậy, nhiệm kỳ của ông Abe vẫn có thể kéo dài đến năm 2021.
Nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) kỳ cựu đã thành công trong việc kích thích một nền kinh tế đang chìm nhanh dưới sức nặng của nợ nần và giảm phát. Trong khi lạm phát vẫn nằm dưới mục tiêu 2% chính thức của Ngân hàng Nhật Bản, vòng xoáy giảm phát đã bị đẩy lùi, lợi nhuận của các công ty tăng vọt và tiền lương đã bắt đầu tăng trở lại. Đặc biệt, suy thoái kinh tế đã được xua tan mặc dù tác động của việc tăng thuế tiêu thụ khác vẫn còn.
Tuy nhiên, liệu ông Abe có thể giữ cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tiến lên phía trước khi phải đối mặt với nạn già hóa dân số và những áp lực bên ngoài vẫn đang là một câu hỏi. Ông Abe vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra từ lâu là sửa đổi Hiến pháp hòa bình Nhật Bản, mặc dù đã kiểm soát cả hai viện của quốc hội trong phần lớn nhiệm kỳ của mình.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
“Dở trăm đường”
Căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng ở Đông Bắc Á đã gia tăng đầy kịch tính khi Nhật Bản thông báo ngày 4-7 rằng nước này sẽ hạn chế xuất khẩu 3 loại vật chất được sử dụng để sản xuất con chip và màn hình cho điện thoại thông minh của các hãng Hàn Quốc. Sau đó, Seoul và Tokyo liên tục có những hành động “phản đòn” lẫn nhau. Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản của Hàn Quốc cũng chỉ được cứu vãn vào phút chót trong bối cảnh Washington đang vận động để duy trì thỏa thuận nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Tranh chấp với Nhật Bản kéo theo một cuộc tranh cãi gay gắt với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc về việc lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, vốn kích động sự trả đũa kinh tế của Bắc Kinh.
Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Hàn-Nhật có thể được cải thiện, đặc biệt là tại thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn vừa qua tại Trung Quốc, lãnh đạo hai nước đã có cơ hội trao đổi và tìm kiếm những điểm đồng giải quyết căng thẳng, song các kế hoạch tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và toàn diện của ông Moon Jae-in vẫn bị chững lại bất chấp các chương trình phúc lợi và kích thích tài chính khác nhau nhằm phục hồi nhu cầu trong nước.
Việc bổ nhiệm doanh nhân trở thành chính trị gia Chung Sye-kyun làm thủ tướng có thể cũng sẽ không đủ để làm hồi sinh vận may của ông Moon Jae-in trước thềm cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 4-2020.
“Gần gũi với bạn bè và gần gũi hơn với đối thủ”
Tổng thống Indonesia Joko Widodo khó có thể bị buộc tội là một người thù dai. Nhà lãnh đạo Indonesia đã bổ nhiệm Mitchowo Subianto - đối thủ trước đây của ông - làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Joko Widodo đã gặp đối thủ bị đánh bại của mình hồi tháng 7 năm nay, lần đầu tiên sau cuộc bầu cử tháng 4 và ông Mitchowo Subianto đã đàm phán cho các vị trí trong Nội các. Edhy Prabowo - phó chủ tịch đảng của ông Mitchowo Subianto được chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Nghề cá và Hàng hải, thay thế Bộ trưởng Susi Pudjiastuti.
Mặc dù truyền thống chính trị từ lâu đời ở Indonesia là “nắm lấy” thay vì “phớt lờ” các đối thủ chính trị, việc chỉ định chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng đối với ông Mitchowo Subianto đã làm dấy lên sự chỉ trích trong và ngoài nước.
Một số nhà phân tích đã xem việc bổ nhiệm cựu tướng quân đội này là sự chấm dứt mọi triển vọng cải cách tự do. Tổng thống Widodo cũng phải chịu một phản ứng dữ dội về các kế hoạch sửa đổi bộ luật hình sự mà theo đó sẽ có thể hình sự hóa các chỉ trích nhắm vào chính phủ và hệ thống tòa án, một động thái có thể là “độc đoán” tại nền dân chủ lớn nhất thế giới Hồi giáo này.
Và với nhu cầu toàn cầu yếu, tăng trưởng tín dụng chậm và việc các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Indonesia mất giá, Tổng thống Widodo sẽ phải đối mặt với áp lực kinh tế thách thức kế hoạch đưa GDP Indonesia lên mức 7.000 tỷ USD vào năm 2045.
Mùa Giáng sinh năm nào cũng sẽ đến và sự tồn tại của ông già Noel là vĩnh cửu, hãy cùng chờ đón những “phần thưởng” của năm 2020!
Theo TTXVN