Phân luồng học sinh: Vẫn lắm gian nan

Thứ ba, ngày 17/08/2010

Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm nay, hơn 600.000 thí sinh có điểm dưới điểm sàn ĐH. Các trường nghề, trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tiếp tục phải dài cổ đợi để “nhận” những thí sinh không được một trường ĐH, CĐ nào tiếp nhận. Thế nhưng, lượng thí sinh rẽ qua học TCCN vẫn còn khá nhiều hạn chế khiến công tác phân luồng vẫn gặp không ít những khó khăn.

Học nghề sớm để tránh lãng phí

Chủ trương “phân luồng” học sinh (HS) sau trung học là hoàn toàn đúng, cần khuyến khích HS học nghề hoặc học TCCN thay vì cố gắng vào ĐH trong khi sức học không kham nổi. Thấy được lợi ích từ chủ trương ấy, cách nay 4 năm, ngành GD-ĐT tỉnh đã thực hiện phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS. Ý nghĩa của việc phân luồng đã quá rõ: những HS có đủ khả năng sẽ tiếp tục vào học lớp 10 THPT, số còn lại sẽ vào các trường TCCN, trường nghề hoặc học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Mục đích của việc phân luồng còn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc THPT. Để nhận số HS sau tốt nghiệp THCS, hàng năm Sở GD-ĐT đều có giao chỉ tiêu đào tạo đối tượng HS lớp 9 cho từng trường CĐ - TCCN. Riêng năm 2010, chỉ tiêu (CT) vào các trường TCCN ở Bình Dương như sau: Trường Trung cấp (TC) Kinh tế Bình Dương 250 CT; trường TC Kinh tế Công nghệ Đông Nam 250 CT cả THPT và THCS; trường TC Mỹ thuật Bình Dương 120 CT; trường TC Nông Lâm nghiệp 150 CT; trường TC Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bình Dương 105 CT; hệ TC trong trường ĐH Thủ Dầu Một 100 CT.

 

Chọn con đường học CĐ, TCCN cơ hội vào đời vẫn sáng (ảnh minh họa)

Bên cạnh phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, việc phân luồng HS THPT cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Hàng năm các trường THPT đều thực hiện động tác định hướng chọn nghề cho HS cuối cấp.  Ngoài tư vấn các em chọn trường vừa sức, trường dễ đậu, các trường quan tâm nhiều hơn những em có sức học hạn chế và khuyên các em nên chọn học CĐ hoặc học nghề. HS chưa tốt nghiệp THPT khi được xét tuyển vào học TCCN sẽ được xét công nhận, chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện từ kết quả chung cả năm ở lớp 12 và được miễn trừ không phải học lại, thi lại các môn văn hóa theo yêu cầu của ngành đào tạo TCCN mà HS đang theo học với điều kiện có điểm trung bình môn đạt từ 5,0 trở lên. Với những em này, cơ hội vào ĐH vẫn rộng mở, vì sau khi tốt nghiệp TCCN, nếu đủ điều kiện HS có thể học liên thông lên CĐ, ĐH.

Hiệu quả từ việc phân luồng HS được thể hiện qua chất lượng giáo dục ở bậc THCS, THPT đã được nâng lên. Cách nay 4 năm, khi mới bắt đầu thực hiện phân luồng, số bài thi tuyển sinh vào lớp 10 có điểm 0 tính bằng số ngàn, thì đến năm học này chỉ còn trên 150 bài điểm 0. Chất lượng tốt nghiệp THPT cũng được cải thiện. Năm 2007 có trên 74% HS tốt nghiệp, đến năm 2010 có 87,75% HS tốt nghiệp.

Vẫn còn gian nan

Chủ trương “phân luồng” sau THCS, THPT là hoàn toàn đúng, cần khuyến khích HS học nghề hoặc học TCCN thay vì đổ xô vào ĐH. Tuy nhiên, hàng năm số HS sau tốt nghiệp THCS vào học tại các trường TCCN không nhiều. Đây là một lãng phí lớn về cả kinh phí, thời gian của cả gia đình và xã hội. Rõ ràng là, đã có một số lượng không nhỏ HS đang ngồi nhầm chỗ. Thay vì ngồi 3 năm trong trường THPT trong khi khả năng, trình độ học tập hạn chế, các em cần được định hướng để theo học các trường nghề. Em Trần M. T., ngụ tại xã Bình Hòa (Thuận An) là một điển hình. Em học hết lớp 9 tại trường THCS Nguyễn Văn Tiết (Thuận An) nhưng Tiến không đậu vào cấp 3. Thấy em còn nhỏ quá nên gia đình không muốn cho em đi học nghề mặc dù Tiến không hề có hứng thú học tiếp. Hiện tại, ban ngày Tiến ở nhà hoặc lang thang tại các tiệm internet để luyện game online; buổi tối thì Tiến đánh lừa cha mẹ đi học bổ túc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Thuận An. Khi được hỏi sao không cho em vào học tại các trường TCCN để vừa học văn hóa lại vừa học được một cái nghề. Mẹ em, bà Bùi Thị T. cho biết: “Cháu nó còn nhỏ quá, sợ nó học nghề vất vả với lại học xong chưa chắc đã xin được việc làm. Thôi cứ để cho nó tốt nghiệp bổ túc đã rồi tính tiếp, coi nó thi ĐH có đậu không đã”. Bàn về vấn đề đào tạo HS sau tốt nghiệp THCS, bà Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng trường TC Kinh tế Bình Dương than vãn: “Thực hiện chủ trương phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, năm học 2008-2009 trường được giao 100 CT, đã tuyển sinh được 91 CT. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy những em này ý thức học tập kém, thường xuyên vi phạm nội quy. Thông qua giờ sinh hoạt chủ nhiệm, giáo viên có giáo dục HS nhưng các em vẫn thường xuyên nghỉ bỏ học. Đến hết năm nhất chỉ còn 42 HS, qua cuối năm thứ hai rơi rụng tiếp chỉ còn 27 em, nhưng trong số này chỉ có 16 em đủ điều kiện thi tốt nghiệp”. Ban Giám hiệu một trường TCCN khác cũng cho biết: những HS này vào lớp hay quậy phá, thường xuyên nghỉ bỏ học. Để đưa các em vào khuôn khổ, trường phải dùng nhiều biện pháp để quản lý các em như: điểm danh, thậm chí đóng cổng không cho các em trốn học, báo cáo kết quả học tập về gia đình...

Chẳng phải ngẫu nhiên mà vấn đề phân luồng HS được nhiều đại biểu quan tâm và chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua. Trả lời chất vấn của các đại biểu về tỷ lệ HS tốt nghiệp bổ túc thấp có phải là do công tác phân luồng chưa tốt? Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh đã nhận định: Với việc phân luồng HS, ngành giáo dục đang tích cực thực hiện và đi đúng hướng. Tuy nhiên, do tâm lý của một số phụ huynh và HS còn ngần ngại vì các em còn quá nhỏ không đi học nghề được. Để giải quyết những trường hợp như vậy, các trung tâm giáo dục thường xuyên phải tiếp tục nhận các em vào học đã khiến việc phân luồng gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện phân luồng đã nhận được sự đồng thuận của xã hội, nhưng để chủ trương này đạt hiệu quả cao, ngoài nỗ lực của ngành giáo dục, còn phải có sự chung tay của xã hội. Các trường cần phối hợp với phụ huynh, các đoàn thể tuyên truyền giáo dục HS về việc phân luồng. Nếu các em không có khả năng tiếp tục học văn hóa nên chọn con đường học nghề. Với những em có nguyện vọng học ĐH vẫn thực hiện được ước mơ của mình bằng con đường học liên thông lên CĐ, ĐH.

N.THANH - A.SÁNG