Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS: Cần sự hợp sức từ nhiều phía

Thứ ba, ngày 21/05/2013

Từ năm học 2007-2008, ngành GD-ĐT thực hiện phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THCS, 70% HS vào học lớp 10 THPT, 30% còn lại vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), dạy nghề. Việc phân luồng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bậc THPT, đồng thời những HS có sức học hạn chế tìm cho mình lối rẽ vào đời bằng con đường học nghề. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện phân luồng, tỷ lệ HS vào TCCN chỉ đạt 46,15%.

 Phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để bảo đảm yêu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới. Từ những ý nghĩa đó, từ năm 2009, cứ bước vào tháng 4 ngành GD-ĐT tổ chức các đợt tư vấn, hướng nghiệp nhằm định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin về những ngành nghề các trường TCCN đang đào tạo cho HS lớp 9. Các trường TCCN cũng trực tiếp đến các trường THCS thông tin đến HS những ngành nghề trong tương lai, việc làm sau tốt nghiệp và cơ hội liên thông lên cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH). Bà Phạm Thị Tiền, Phó phòng GD-ĐT huyện Bến Cát cho biết, phòng đã chủ động trong việc chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tư vấn hướng nghiệp cho HS. Qua các buổi tư vấn tuyển sinh hàng năm, phụ huynh đã hiểu rõ đây là chủ trương hợp lý, định hướng việc học và chọn nghề nghiệp cho HS là cần thiết. Ông Nguyễn Văn Sự, Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Hòa (Phú Giáo) cho biết, để phụ huynh hiểu rõ hơn về chủ trương phân luồng, nhà trường họp phụ huynh HS, tư vấn cho họ hiểu rõ hơn về chủ trương phân luồng và lựa chọn cho con em con đường đi phù hợp với năng lực học tập. Trường sàng lọc những HS yếu, HS có hoàn cảnh khó khăn và có lời khuyên các em nên lựa chọn con đường học tập phù hợp với năng lực học tập, điều kiện kinh tế gia đình.  

 Trong ngày trao bằng tốt nghiệp hệ CĐ, TCCN, trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho HS khi vừa tốt nghiệp

Được tư vấn, hướng nghiệp bằng nhiều hình thức, HS và phụ huynh đã có chuyển biến về nhận thức và lựa chọn con đường học TCCN. Riêng các trường TCCN, các trường ĐH, CĐ có đào tạo TCCN cũng rộng cửa đón HS vào học. Các trường tổ chức tuyển sinh nhiều đợt trong năm, mở thêm ngành nghề đào tạo xã hội đang cần. Bà Như Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa nhận xét, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ HS của trường tốt nghiệp có việc làm là 90%. Điều này chứng tỏ nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực từ HS học các ngành như thiết kế đồ gỗ, thiết kế đồ họa, sơn mài, điêu khắc, thiết kế thời trang, quản lý văn hóa, thanh nhạc là rất lớn. Tỷ lệ HS tốt nghiệp có việc làm ngay chiếm tỷ lệ cao chứng tỏ sự chủ động của nhà trường trong việc định hướng nghề nghiệp và xây dựng chuẩn đầu ra cho HS tốt nghiệp.

Từ khi thực hiện chủ trương phân luồng, số HS THCS vào học tại các trường TCCN tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, theo thống kê, số HS thuộc diện phân luồng hàng năm khoảng 1.300 em, nhưng số HS vào TCCN chỉ khoảng 500 - 600 em, đạt 46,15% chỉ tiêu, số còn lại các em học ở các trường THPT tư thục trong và ngoài tỉnh. Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, nguyên nhân khiến việc phân luồng hướng nghiệp cho HS sau THCS hạn chế là do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục chuyên nghiệp chưa thật sự quan tâm đúng mức. Nhiều HS và gia đình không lượng được sức học của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm, động cơ tham gia các lớp học nghề ở các trường TCCN của HS bị lệch, xu hướng và tâm lý xã hội vẫn còn nặng chạy theo bằng cấp và vị trí việc làm sau tốt nghiệp. Trong khi đó thông tin về thị trường lao động ở nước ta còn nghèo nàn, cũng có thể nói công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông do thiếu đội ngũ cán bộ giáo viên am hiểu tâm lý học nghề nghiệp, cũng như chưa hiểu hết nhu cầu lao động các ngành nghề ở các khu công nghiệp gây trở ngại cho công tác hướng nghiệp phân luồng HS.

Một cán bộ Phòng GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một nhận xét, một nguyên nhân khác khiến cho công tác phân luồng chưa đạt hiệu quả là do hệ thống trường nghề, trường trung cấp ở tỉnh hiện nay chưa hấp dẫn người học, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng để HS lựa chọn. Các trường chưa thực sự liên kết với các trường phổ thông để giới thiệu về chương trình đào tạo, cơ hội tham gia thị trường lao động, liên thông CĐ, ĐH… mặt khác, thị trường lao động hiện nay khắt khe với người lao động có trình độ thấp, tìm được việc làm với người có trình độ trung cấp là việc khó.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ:

Muốn việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS được tốt, việc đầu tiên là phải giải tỏa được tâm lý e ngại của phụ huynh, cần tổ chức các buổi hội thảo, mạn đàm với cha mẹ HS về việc theo dõi việc học của con, lựa chọn trường học cho con, về hướng nghiệp và phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS. Tập trung thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho HS. Cần chú trọng các tiết hướng nghiệp để HS tự xác định được trình độ của mình phù hợp với nghề nào nếu không theo học tiếp THPT. Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh có chính sách khuyến khích đối với HS THCS học TCCN và học nghề, chính sách khuyến khích đối với các trường TCCN tuyển hệ tốt nghiệp THCS. Ngành GD-ĐT, ngành LĐ-TB&XH cần đầu tư hơn nữa cho các trường TCCN và các trường nghề, nâng cấp các trung tâm giáo dục thường xuyên-kỹ thuật hướng nghiệp. Đẩy mạnh phối hợp giữa trường TCCN, trường dạy nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, kỹ thuật hướng nghiệp để HS đồng thời vừa có bằng TCCN vừa có bằng THP.

 

 

 ÁNH SÁNG