Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Hiệu quả thiết thực từ mô hình điểm
(BDO) UBND TX.Bến Cát vừa tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thí điểm tại 3 ấp An Thuận, Phú Thuận, Bến Giảng thuộc xã Phú An; khu phố 2, phường Mỹ Phước và khu phố 6, phường Thới Hòa.
Dụng cụ chứa rác được trang bị đầy đủ trên các tuyến đường, thuận tiện để người dân thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn môi trường sạch đẹp
Tuyên truyền bằng nhiều hình thức
Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TX.Bến Cát là cơ quan thường trực, tham mưu chính chương trình trên địa bàn thị xã. Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay đã đạt được một số kết quả. Về tổ chức tuyên truyền, đơn vị phổ biến chương trình bằng nhiều hình thức với 4 đợt tập huấn để trang bị các kỹ năng về công tác quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn dành cho các đối tượng; tổ chức lễ phát động ra quân, ký cam kết thực hiện giữa các bên có liên quan. Ngoài tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát các hộ tập kết rác, khảo sát người dân khu vực thí điểm về mức độ nhận biết từng nhóm chất thải cũng được tiến hành thực hiện. Song song đó, đơn vị tham mưu Thị ủy Bến Cát, UBND thị xã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả chương trình trên địa bàn.
Về thực hiện, thị xã đã trang bị đầy đủ cho các hộ dân trong khu vực thí điểm thùng rác 2 màu, túi nylon 2 màu để phân phát đến từng hộ, cơ quan và trường học, bổ sung thêm cho các điểm tập kết hiện hữu; bê tông hóa, bố trí các thùng chứa rác có dung tích phù hợp, lắp bảng hướng dẫn tại các điểm tập kết để tạo mỹ quan, bảo đảm vệ sinh và dễ dàng cho người dân thực hiện.
Ông Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, đánh giá công tác thực hiện chương trình trên địa bàn đã được các ban, ngành cùng địa phương nỗ lực thực hiện qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, hội viên và các tổ chức, cá nhân. Tuy đạt được một số kết quả nhất định, chương trình vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Một số đơn vị chưa quan tâm sâu sát trong công tác chỉ đạo, sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể chưa được tích cực, công tác giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa áp dụng các biện pháp răn đe, xử lý đối với những trường hợp không chấp hành theo quy định… Từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình theo kế hoạch thị xã đã đề ra.
Đồng bộ các giải pháp
Để khắc phục các hạn chế, ông Lê Văn Hồng đề nghị Phòng TN&MT TX.Bến Cát khẩn trương biên soạn tài liệu, phối hợp hướng dẫn đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để thực hiện. Ngoài ra, phòng tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND thị xã để xem xét, chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, phòng xem xét cần thiết tham mưu UBND thị xã thành lập Ban Chỉ đạo về phân loại chất thải rắt sinh hoạt để quyết liệt thực hiện có hiệu quả chương trình này.
UBND các xã, phường cần rà soát, phối hợp với đơn vị thu gom khẩn trương hoàn thành việc công khai thông tin về lộ trình, tần suất và thời gian thu gom rác thải trên từng địa bàn, nhất là các tuyến đường chính, tuyến đường trung tâm để tiến tới bỏ dần việc đặt thùng chứa rác gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau như họp dân, phát trên loa đài thường xuyên về việc hướng dẫn thực hiện phân loại, thời gian bỏ rác... Các cơ quan, phòng ban thị xã phải quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan thực hiện chương trình; thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở để bảo đảm việc phân loại đúng quy định.
Đối với các đơn vị thu gom, ông Lê Văn Hồng đề nghị cần phải kiện toàn lại hệ thống thu gom, vận chuyển như sắp xếp lại phương tiện, trang thiết bị, nhân lực... để đáp ứng yêu cầu của từng địa phương; đồng thời, phối hợp địa phương xây dựng lộ trình, tần suất và thời gian thu gom đối với từng nhóm chất thải sinh hoạt sau phân loại để thông tin đến người dân bỏ rác theo thời gian đã thông báo.
THOẠI PHƯƠNG - HỮU TẤN