Phân hóa giàu nghèo tăng, mâu thuẫn xã hội cao
Vừa qua, Chính phủ dự định đề xuất tăng lương tối thiểu lên thêm 100.000 đồng (từ 730.000 lên 830.000 đồng) vào giữa năm 2011. Đây là tin vui cho những người làm công ăn lương trước tình hình vật giá ngày càng leo thang không dừng. Nói vui là vì có thêm chút tiền nhưng nhiều người cũng lo lắng số tiền tăng đó liệu có đủ bù đắp với giá cả tăng theo hay không? Thông thường khi hay tin Nhà nước tăng lương thì giá cả thị trường đã vội tăng trước mà còn tăng nhiều hơn số lương tăng cho nên việc tăng lương xem ra không có ý nghĩa lắm. Nhưng dù gì thì biện pháp tăng lương tối thiểu cũng là tích cực để hỗ trợ tầng lớp có thu nhập thấp, làm giảm bớt phân hóa xã hội.
Phân hóa giàu nghèo trong xã hội hiện đang là xu hướng xảy ra trên bình diện toàn cầu. Các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia đang phải đau đầu tìm cách khắc phục nhưng xem ra hiệu quả không cao.
Tại Việt Nam, mặc dù tăng trưởng kinh tế cao nhưng đã xuất hiện nhiều hạn chế trong đó có sự phân hóa giữa thành thị và nông thôn; giữa giàu và nghèo ngày càng khốc liệt. Vấn đề này nếu không có chính sách giải quyết thỏa đáng sẽ dẫn tới mâu thuẫn xã hội tăng cao, ảnh hưởng đến việc phát triển của đất nước. Theo các số liệu thống kê về lương cho thấy, tại Hà Nội chênh lệch thu nhập là khoảng trên 50 lần (80 triệu/1,8 triệu), tại TP.HCM là trên 100 lần (250 triệu/2,2 triệu). Các đối tượng thu nhập nhóm trên gồm giám đốc điều hành, trưởng đại diện, trưởng phòng, ngành ngân hàng, bác sĩ làm thêm, ca sĩ thành danh... Nhóm dưới là số đông gồm công nhân lao động, công viên chức chỉ hưởng lương... Với các đối tượng khó thống kê thu nhập thì khoảng cách chênh lệch còn cao hơn nhiều. Nhóm thu nhập thấp vẫn là số đông gồm làm dịch vụ, tiểu thương nhỏ và nông dân, trong đó có nhiều hộ nông dân thu nhập không quá 1.000.000 đồng/tháng. Về mặt quan điểm để tạo sự công bằng xã hội, Nhà nước nên có các chủ trương và chính sách thỏa đáng để giúp số đông có thu nhập thấp trong xã hội, tránh lặp lại sai lầm trước đây là cào bằng bình quân khi triệt tiêu người có thu nhập cao vì làm như vậy sẽ mất động lực phát triển. Các chủ trương, chính sách chăm lo cho người nghèo vừa qua như xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, hỗ trợ vay vốn... đã phần nào giúp được người nghèo nhưng hiệu quả lan tỏa chưa cao.
Bình Dương là địa phương đi tiên phong trong cả nước khi liên tục tăng tiêu chí hộ nghèo nhằm phấn đấu nâng cao mặt bằng cuộc sống cho người dân, thu nhập bình quân hiện nay là trên 1.500 USD thuộc nhóm cao so với cả nước nhưng Bình Dương cũng nằm trong tình trạng chung là nhóm người có thu nhập thấp trong địa phương vẫn chiếm số lượng cao. Hiện Bình Dương có gần 700.000 lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp với thu nhập bình quân 1.500.000 đồng/tháng. Với thu nhập này, người lao động chỉ thu vén tạm đủ cho cuộc sống cá nhân khi ở nhà trọ, hoàn toàn không có tích lũy kể cả đầu tư nâng cao trình độ. Đối tượng lớn thứ hai là nông dân thất nghiệp vì diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, tuy tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh chỉ vài % nhưng số lượng lao động nông nghiệp vẫn chiếm số đông trong cơ cấu dân số. Những nông dân sau khi được đền bù giá trị đất họ lại khó hòa nhập với môi trường mới do tuổi tác; kinh nghiệm và số vốn ít ỏi cũng dần vơi đi từ đó trở thành gánh nặng xã hội... Trong xã hội khi mà thu nhập ngày càng chênh lệch trong các nhóm người thì dễ phát sinh mâu thuẫn, đình lãn công của công nhân hay tổ chức chống đối không giao đất khi quy hoạch là các biểu hiện. Thiết nghĩ, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa các chính sách đã có đối với người thu nhập thấp đồng thời quan tâm hơn nữa đến hai đối tượng trên, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục bởi vì các lĩnh vực này hiện phần lớn đã xã hội hóa nên chi phí cao trong khi thu nhập của người lao động không theo kịp.
Giải quyết vấn đề phân hóa giàu nghèo là một chiến lược dài hạn và khó khăn, cái cần thiết là các sách lược ngắn hạn phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương và cũng cần cái tâm từ lãnh đạo đến cộng đồng xã hội.
XÀ CỪ