Phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu, ngày 14/10/2022

(BDO)

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đến đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Hội nghị Trung ương 6 quyết định nhiều nội dung quan trọng

Thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (diễn ra từ ngày 3 đến 9-10 tại Hà Nội), đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết sau 7 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.

Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể, toàn diện vào các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách Nhà nước năm 2022; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025; phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023.

Trên cơ sở phân tích, dự báo, bám sát tình hình thực tiễn, Trung ương thống nhất ban hành Kết luận về KT-XH năm 2022-2023; trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu của kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính - ngân sách Nhà nước hàng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phục hồi, phát triển KT-XH.

Về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Trung ương coi quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài. Trung ương thống nhất ban hành kết luận về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết nghị thông qua nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất cao ban hành nghị quyết của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

TS.Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương truyền đạt các quan điểm, nhiệm vụ, nội dung công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cao các kết quả đã đạt được của 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa X; khẳng định việc tổng kết Nghị quyết Trung ương 5, khóa X và ban hành nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới là yêu cầu cần thiết để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy có hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thực hiện một số công việc quan trọng khác và thực hiện công tác cán bộ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Kiên trì đấu tranh, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực

Quán triệt, tập huấn các văn bản liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, TS Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương, nhấn mạnh trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp về PCTN, thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau từ cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chiến lược phát triển KT-XH, các nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc đến các luật, nghị quyết, nghị định, chỉ thị, kết luận...

Theo TS Nguyễn Xuân Trường, mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về PCTN hiện nay, đó là “Đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”.

TS Nguyễn Xuân Trường cũng đã truyền đạt các quan điểm, nhiệm vụ, nội dung công tác PCTN, tiêu cực đang được thực thi hiện nay; về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chức năng, phạm vi chỉ đạo, nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; vai trò, trách nhiệm của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới, khắc phục những hạn chế trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực là hết sức cần thiết, giúp triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công tác PCTN, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo tinh thần “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. 

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh: “Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Bình Dương được thành lập ngày 21-6- 2022. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã tổ chức phiên họp thứ nhất, trong đó thông qua quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Có thể nói, việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh là minh chứng cho quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ tỉnh, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp PCTN, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương...”.

TRÍ DŨNG