Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.:
Phấn đấu giữ vững mức tăng trưởng kinh tế và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững
Trong 5 năm qua, Bình Dương đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh. Bên cạnh những chủ trương, chính sách đúng đắn, sát với thực tế của HĐND tỉnh, kết quả đạt được còn có vai trò điều hành, thực hiện các chủ trương, chính sách đó của UBND tỉnh. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
(BDO)
Tỉnh Bình Dương phấn đấu giữ vững mức tăng trưởng kinh tế và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Uchiyama Việt Nam (Khu công nghiệp Đại Đăng, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
- Trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã điều hành và thực hiện rất tốt các chủ trương, chính sách của HĐND tỉnh. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
- Thực hiện các chủ trương, chính sách của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2011-2015, với sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân, hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước, tỉnh nhà đã đạt được những thành tựu khá toàn diện. Trong đó, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỉnh nhà đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, khoa học - công nghệ và an sinh xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định. Kết quả đó góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh và bền vững của tỉnh trong thời gian tới và làm nền tảng để đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
Kết quả cụ thể trên lĩnh vực kinh tế, tỉnh đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, GDP bình quân 5 năm tăng 13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; đến năm 2015 cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng 60% - 37,3% và 2,7%. GDP bình quân đầu người vượt kế hoạch đề ra; đến cuối năm 2015 là 72,3 triệu đồng/người (Nghị quyết là 63,2 triệu đồng/người)...
- Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2021. Xin ông cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã điều hành và đạt được kết quả như thế nào?
- Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH năm 2016 có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo của Kế hoạch 5 năm 2016-2020. UBND tỉnh đã tích cực triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển KT-XH.
Từ đầu năm đến nay, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục phát triển và ổn định. Theo đó, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển và tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2015; môi trường đầu tư được cải thiện; thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực. Về đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay tỉnh đã thu hút được 87 dự án mới và 55 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn là 876 triệu USD; lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 2.674 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 24 tỷ 525 triệu USD. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh tiếp tục tăng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,2% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 45.850 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Trong khi đó, tiến độ đầu tư và giải ngân các công trình xây dựng cơ bản vốn Nhà nước bảo đảm theo kế hoạch; các công trình, dự án hạ tầng mang tính động lực vàcó ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh đã được khởi động xây dựng và phát triển, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Cùng với sự tập trung phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường giữ vững trật tự an toàn xã hội; chăm lo thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội...
- Để Bình Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước 2020, đến thời điểm này vấn đề xây dựng và phát triển đô thị của tỉnh đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
- Tính đến năm 2015, các chỉ tiêu chính của đô thị đều đạt và vượt so với kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Đến nay, Bình Dương có 1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện với 91 xã, phường, thị trấn. Đối với công tác quy hoạch được tỉnh thực hiện cơ bản hoàn thành, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 73,2%; các khu chức năng, dự án đầu tư xây dựng đều có quy hoạch chi tiết. Trong khi đó, các đô thị mới được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo đúng định hướng quy hoạch với tỷ lệ đô thị hóa đạt 76,9%; công tác chỉnh trang đô thị cũng được chú trọng. Về Chương trình phát triển nhà ở xã hội luôn được tỉnh quan tâm triển khai và thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân nói chung và đối tượng có thu nhập thấp nói riêng.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được tỉnh chú trọng đầu tư từ nhiều nguồn lực kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung toàn đô thị. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng giao thông được xây dựng theo hướng đồng bộ, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với đường huyện, đồng thời bảo đảm sự kết nối với hệ thống liên vùng. Hệ thống cấp điện trong đô thị cũng được chỉnh trang, cải tạo bảo đảm nhu cầu sử dụng. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh về quy mô, chất lượng…
Những kết quả đạt được của tỉnh nhà về phát triển đô thị trong thời gian qua là kết quả của sự nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Kết quả đó còn là tiền đề, là động lực quan trọng góp phần từng bước đưa tỉnh nhà trở thành đô thị thông minh, là thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
- Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2016, UBND tỉnh đề ra những giải pháp gì và việc thực hiện giải pháp này ra sao, thưa ông?
- Tiếp tục phát huy thành quả đạt được trong những năm qua, UBND tỉnh tập trung triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016 của HĐND tỉnh và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Tỉnh phấn đấu giữ vững mức tăng trưởng kinh tế vàthực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững; tập trung nâng cao năng suất và sức cạnh tranh nhằm đón đầu vàtriển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng để thu hút đầu tư; cùng với đó hoàn thiện hệ thống hạ tầng KT-XH, phát triển đô thị - dịch vụ và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm nghèo bền vững, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện hiệu quả công tác phòng - chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tỉnh nhà cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại cho phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay…
- Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG LÊ (thực hiện)