Phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản: Để công trình không chờ vốn
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 32/2010/NQ-HĐND7 ngày 10-12-2010 của HĐND tỉnh khóa VII về việc phê chuẩn nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2011-2015 (Nghị quyết số 32/2010/NQ-HĐND7) đã đạt được những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã xây dựng dự thảo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách tỉnh theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Dự thảo xây dựng trên tinh thần góp phần bảo đảm nguồn vốn phân bổ hợp lý, không làm phát sinh tình trạng công trình chờ vốn, đồng thời đáp ứng cơ bản nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong tỉnh.
(BDO)
Phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy định, nguyên tắc, tiêu chí, phù hợp với tình hình thực tế sẽ góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong tỉnh. Trong ảnh: Dự án đường 30-4 ở TX.Bến Cát vừa được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Đáp ứng cơ bản nhu cầu đầu tư
Theo Dự thảo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020, về nguyên tắc chung, ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016- 2020 được bố trí để chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không có khả năng đầu tư bằng hình thức xã hội hóa. Bên cạnh đó, bảo đảm tỷ lệ nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí cho cấp huyện hàng năm đạt khoảng 20% so với tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; bảo đảm từng huyện, thị, thành phố trong tỉnh được tăng nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí tối thiểu 10%/năm trong giai đoạn 2016-2020 so với năm 2015. Các tiêu chí áp dụng tính nguồn vốn phân cấp được quy định trong Quyết định 40/2015/QĐ-TTg ngày 14-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ và cụ thể hóa ở một số tiêu chí để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. |
Theo dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 32/2010/NQ-HĐND, tổng nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí cho cấp huyện là 4.415 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2011-2015 theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30-9- 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên tắc chủ yếu của việc phân cấp nguồn vốn đầu tư theo tiêu chí là căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng của từng địa bàn để tỉnh xác định số điểm trong các tiêu chí và nguồn vốn phân cấp cụ thể. Trong đó, nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí được tập trung chủ yếu ở TX.Thuận An, TX.Dĩ An và TP.Thủ Dầu Một, vì đây là địa bàn có dân số tập trung đông, điều kiện kinh tế phát triển gắn với nguồn thu ngân sách hàng năm lớn; đồng thời là trung tâm chính trị, hành chính và cũng là vùng động lực phát triển đô thị của cả tỉnh.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ chia tách địa giới hành chính đối với 2 huyện cũ là Tân Uyên và Bến Cát thành 2 huyện mới (Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên) và 2 thị xã (Tân Uyên, Bến Cát) nên năm 2014, việc phân bổ nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí cho 4 đơn vị hành chính mới chỉ dựa trên việc phân chia địa giới hành chính gắn với địa điểm đầu tư để phân chia nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí. Phân bổ nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí được Bình Dương thực hiện trên cơ sở cân đối chung của toàn tỉnh để việc phân cấp bảo đảm được sự hài hòa, đáp ứng cơ bản nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong tỉnh.
Theo các sở ngành, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển trong thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chủ động cho chính quyền cấp sử dụng các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong tỉnh và nâng cao trách nhiệm về quản lý nguồn ngân sách Nhà nước.
Phù hợp với tình hình thực tế
Tuy nhiên, theo dự thảo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 32/2010/NQ-HĐND7, trong thời gian qua các địa phương trong tỉnh vẫn chưa chủ động cân đối đầu tư, còn ỷ lại vào nguồn vốn hỗ trợ bổ sung của tỉnh; bên cạnh đó phê duyệt quá nhiều dự án, không tính đến khả năng cân đối vốn làm kéo dài thời gian thi công và chậm đưa công trình vào sử dụng. Cùng với đó, các tiêu chí phân bổ vốn đầu tư vẫn chưa thực sự sát với tình hình của các địa phương; trong khi đó một số địa bàn vừa thực hiện các bước chia tách đơn vị hành chính, nâng cấp đô thị phát sinh nhu cầu lớn về chi đầu tư phát triển trên địa bàn để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngoài nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh có mức hỗ trợ cụ thể cho cấp huyện đầu tư những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cấp huyện và nguồn vốn xổ số kiến thiết. Đây là cơ sở để tính toán nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí cho các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. |
Đối với dự thảo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí chính là dân số trung bình; trình độ phát triển (bao gồm tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và tiêu chí thu nội địa); diện tích tự nhiên; đơn vị hành chính cấp xã; tiêu chí bổ sung (bao gồm: Trung tâm chính trị; cải tạo, chỉnh trang đô thị; tỷ lệ điều tiết về ngân sách tỉnh).
Theo dự thảo này, giai đoạn 2016-2020, dự tính tổng nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí trên địa bàn tỉnh là 7.250 tỷ đồng, tăng bình quân 11,84%/năm. Trong đó, mức tăng trung bình trên địa bàn cấp huyên cụ thể: TP.Thủ Dầu Một tăng bình quân 10,92%/năm, TX.Thuận An 12,07%/năm, TX.Dĩ An 11,34%/năm, TX.Tân Uyên 15,7%/năm, TX.Bến Cát 14,12%/năm; huyện Bàu Bàng 13,15%%/năm, huyện Bắc Tân Uyên 10,6%/năm, huyện Phú Giáo 10,6%/năm và huyện Dầu Tiếng 10,24%/năm.
Như vậy, tốc độ tăng bình quân vốn phân cấp theo tiêu chí trên địa bàn TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên (khoảng 14 - 15%/năm) cao hơn so với mặt bằng chung của các địa phương còn lại, do đây là những địa bàn mới nâng cấp đô thị, phải đầu tư mới cơ sở hạ tầng theo cấp đô thị tương ứng. Vì vậy, không tính điểm riêng cho 2 thị xã này đối với tiêu chí cải tạo, chỉnh trang đô thị. Trong khi đó, nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một thấp hơn so với 2 thị xã Thuận An và Dĩ An do các tiêu chí về dân số, thu nội địa đều thấp hơn; bên cạnh đó ngân sách tỉnh đầu tư về hạ tầng trên địa bàn thành phố là rất lớn và nguồn vốn tỉnh hỗ trợ theo mục tiêu trong những năm qua và các năm tiếp theo sẽ cao hơn các địa phương khác. Còn vốn phân cấp theo tiêu chí trên địa bàn huyện Bàu Bàng cũng tăng khá cao, khoảng 13,15%/năm, chủ yếu do đây là địa bàn đang phát triển công nghiệp, đang thu hút số lượng lớn lao động, kéo theo nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng cũng lớn so với các huyện còn lại là Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng.
PHƯƠNG LÊ