Phạm Văn Tài : Vừa đam mê sáng tạo, vừa làm kinh tế giỏi

Thứ ba, ngày 12/11/2013
   Anh Phạm Văn Tài bên trang trại thỏ của mình  Ý tưởng từ thực tế Hơn 3 năm làm nhân viên bảo vệ Nông trường Cao su Lai Uyên, anh Phạm Văn Tài luôn nhiệt tình với công việc. Nhớ lại thời gian đầu khi mới vào nhận việc, anh nói: “Lúc ấy, cứ mỗi 200 ha cao su công ty chỉ phân cho hai bảo vệ. Điều đó khiến cho công việc trông coi vườn rất áp lực, anh em trong nông trường phải thường xuyên túc trực, tuần tra 24/24 giờ nhưng nạn trộm mủ vẫn xảy ra. Từ những khó khăn đó, tôi đã nảy sinh ra “sáng kiến” máy chống trộm dùng tia laser kết nối với điện thoại để bảo vệ tài sản cho công ty và giảm bớt thời gian tuần tra cho anh em”. Khi bắt tay vào thực hiện sáng kiến, anh cũng gặp không ít gian nan. Nhận thấy những trở ngại anh luôn nỗ lực cố gắng tìm tòi, học hỏi qua sách báo, tìm hiểu trên mạng để nghiên cứu cho ra sản phẩm. Được sự quan tâm, giúp đỡ của anh em đồng nghiệp cũng như nguồn động viên từ Ban lãnh đạo công ty trong quá trình thực hiện, anh hăng say nghiên cứu liên tục trong vòng 1 năm (từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2013) mới hoàn thành và đưa vào áp dụng thực tiễn trong nông trường. Ban đầu máy chống trộm dùng tia laser kết nối với điện thoại nhưng sau một thời gian đưa vào sử dụng không hiệu quả, anh đã chuyển qua dùng tia hồng ngoại Anh Tài cho biết: “Thiết bị này gồm một bộ phận phát tín hiệu tia hồng ngoại, một đầu thu nằm đối diện (thu tín hiệu hồng ngoại). Theo đó, nếu có một vật hoặc bề mặt chắn tia hồng ngoại, làm gián đoạn tia hồng ngoại từ nơi phát đến đầu thu, đầu thu sẽ kích thích một mạch dẫn làm cho bộ phận phát tín hiệu được kết nối với điện thoại chủ nhân đổ chuông. Theo anh Tài, thiết bị này rất đơn giản, có thể đặt từ ngoài cổng hoặc trong nhà để chống trộm. Chỉ cần kẻ trộm bước vào cổng hay vào nhà, đi ngang qua hệ thống là điện thoại chủ nhân sẽ đổ chuông. Thú vị hơn, sản phẩm của anh Tài có kinh phí thực hiện chưa tới 500.000 đồng. Tuy nhiên, tùy theo ống dòm loại đắt hay rẻ mà có thể thu tín hiệu ở khoảng cách là bao nhiêu.  Nỗ lực trở thành ông chủ trại thỏ Nhiệt tình trong công việc, không ngừng sáng tạo, anh Tài còn là một thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhìn trang trại chăn nuôi thỏ của anh bây giờ với số lượng 500 con, ít ai nghĩ cách đây một năm, đàn thỏ đầu tiên của gia đình anh chỉ có 10 con thỏ cái và 2 con thỏ đực với vốn đầu tư mua giống 9 triệu đồng. Trong hơn một năm qua, vừa bán thỏ giống và thỏ thịt đã mang về cho gia đình anh thu nhập hơn 30 triệu đồng. Trong năm nay hứa hẹn đàn thỏ sẽ cho thu nhập cao hơn, khoảng 80 triệu đồng. Năm đầu tiên lợi nhuận ít, bởi tính riêng lứa thỏ giống nuôi ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên bị chết hết. Rút kinh nghiệm, anh đi học hỏi từ các trại thỏ của bạn, tìm đọc tài liệu, sách báo và từ đó những lứa tiếp theo chúng lớn nhanh, khỏe mạnh và không ngừng tăng lên về số lượng, dần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện tại, với công việc chính là nhân viên bảo vệ, phần lớn thời gian ở nông trường nhưng mỗi lúc được thay ca, về nhà anh lại tranh thủ đánh xe đi cắt cỏ, rồi lại về bỏ nguyên liệu cám vào máy vắt làm nguồn thức ăn cho thỏ, nghỉ ngơi chút ít anh lại lên nông trường. Với tinh thần ham học hỏi, cần mẫn, sáng tạo trong công việc, vừa qua anh Phạm Văn Tài đã vinh dự được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Đình Của - phần thưởng cao quý dành cho các “nhà nông trẻ xuất sắc” toàn quốc năm 2013. TÂM BÌNH