Phạm Đình Nguyên: Từ ngẫu nhiên đến cơ hội
Việc tham gia đấu giá và mua thị trấn Buford, thuộc bang Wyoming (Mỹ) với giá 900.000 USD đã khiến Phạm Đình Nguyên – một doanh nhân chưa mấy người biết đến nổi như cồn.
Sau thương vụ đình đám, ngài Thị trưởng – theo cách gọi vui của bạn bè, quyết định tạo sức sống mới mang dấu ấn Việt cho Buford. Chưa hết, ông Giám đốc Công ty cổ phần Tổng Hợp Quốc Tế IDS (Internatinal Distribution Services) Phạm Đình Nguyên còn quyết định mở thêm Công ty cổ phần PhinDeli và đưa nó vượt khỏi biên giới.
- Từ khi nào anh bắt đầu sự nghiệp riêng với IDS, thưa anh?
Từ năm 2009, lúc đầu là Công ty TNHH Thiên Kim An, đến năm 2011 đổi tên là Công ty cổ phần IDS, chuyên phân phối hàng thực phẩm và tiêu dùng cho các công ty Việt Nam và nước ngoài. Tôi là cổ đông lớn nhất.
- Anh sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, tại sao lại chọn địa bàn phía Bắc để khởi nghiệp?
Vì đó là thị trường khó thâm nhập, nhưng tôi nghĩ nếu mình thành công ở phía Bắc thì dễ dàng mở rộng ra những thị trường khác.
- Trong các nhãn hiệu mà IDS phân phối, cái nào anh làm tốt nhất?
Tôi nghĩ là Vissan. Lúc chưa giao cho IDS, Vissan chỉ có một đến hai đại lý ở mỗi tỉnh miền Bắc. Họ phân phối nhiều nhãn hiệu thực phẩm cùng lúc nên không tập trung phát triển nhãn hàng Vissan. Đó là kiểu phân phối bị động.
IDS phân phối chủ động. Bên cạnh việc tăng doanh số bán hàng còn giúp Vissan sở hữu dữ liệu chuỗi 20.000 điểm bán lẻ ở miền Bắc với những thông tin như: khách hàng thường mua hàng ở đâu, mua cái gì, mua làm gì…? Đây mới là giá trị lớn nhất. Có được dữ liệu này, sản phẩm của Vissan mới có chỗ đứng vững vàng ở thị trường phía Bắc, vì tôi quan niệm hệ thống phân phối là tài sản quý nhất của mỗi doanh nghiệp.
- Dường như cơ hội tổng thầu cho Vissan ở thị trường phía Bắc đến sau khi anh mua được Buford?
Đúng, vì sau khi mua Buford, rất nhiều cơ hội đến với tôi và IDS. Chính ông Tổng Giám đốc Vissan đã gọi điện cho tôi sau sự kiện đó. Nếu không có vụ Buford, IDS chưa chắc được Vissan để mắt đến, đó là một thực tế! Ngày trước, IDS phải đi tìm nhà sản xuất để thuyết phục họ cho mình làm công việc phân phối, giờ đây chúng tôi có nhiều chọn lựa hơn cho mình!
- Nhìn vào tiểu sử của anh trước khi thành lập IDS, có vẻ như anh nhảy việc nhiều nhỉ?
Đúng là chỉ có thời gian ở Coca Cola là tôi làm được 6 năm, còn các công ty khác như Nokia, Mars Food, ICP, Kinh Đô… cứ được hai năm coi như hết duyên thì thôi. Vì tôi nhận ra, làm việc ở công ty nước ngoài chỉ thu được kinh nghiệm từ vị trí được giao, không bao quát hết mọi việc như khi làm việc ở công ty Việt Nam. Mặt khác, kiến thức làm ở công ty nước ngoài không áp dụng được vào công ty Việt Nam, bởi một người làm ở công ty Việt Nam thường kiêm nhiều việc. Có thể nói, tôi được học miễn phí từ ICP và Kinh Đô trước khi lập ra công ty của riêng mình.
- Từ ý tưởng nào anh dám sang Mỹ tham gia đấu giá mua thị trấn Buford?
Đến một cách bất chợt! Khi đọc thông tin trên báo mạng VnExpress ngày 16/3/2012, tôi nghĩ ngay tại sao không tham gia, biết đâu mình mua được. Cuối tháng đó, tôi sang Mỹ và ban đầu phải vay mượn bạn bè và người thân bên Mỹ 100.000 USD để đặt cọc tham gia đấu giá, vì không thể chuyển tiền từ Việt Nam sang. Lúc còn ở trong nước, tôi nghĩ thị trấn này chỉ bán được với giá 300.000 USD là tối đa. Sang Mỹ, tham quan thị trấn, đọc báo chí Mỹ đưa tin về cuộc đấu giá này tôi lại nghĩ chừng 1 triệu USD. Đến khi có một người qua điện thoại trả giá 880.000 USD, tôi liền trả 900.000 USD và không ngờ mình thắng. Thú thật, lúc đó tôi cũng không biết lấy đâu ra 800.000 USD, chỉ nghĩ cùng lắm là mất 100.000 USD tiền đặt cọc. Luật của nước Mỹ quy định, trong vòng 30 ngày, người thắng cuộc phải trả đủ tiền cho chủ sở hữu, nếu không sẽ bị mất tiền đặt cọc. Nếu không nhờ anh em bạn bè và người quen thương tình giúp đỡ, chắc tôi cũng không may mắn có ngày hôm nay. Toàn là tiền vay không phải trả lãi, chứ nếu vay ngân hàng chắc chết!
- Khi đã là ông chủ, sở hữu thị trấn Buford, mục tiêu của anh là gì?
Thực sự lúc đầu tôi chỉ nghĩ trả 300.000 USD là để quảng bá cho IDS và marketing cho sản phẩm của Việt Nam. Nước ta là quốc gia xuất khẩu nhiều mặt hàng, nhưng toàn là xuất thô hoặc làm gia công chứ chưa có nhãn hiệu sản phẩm nào để người nước ngoài nhớ đến. Nên sau đó tôi lại nghĩ, bỏ 6 tỷ đồng mua một thị trấn ở Mỹ để làm showroom giới thiệu hàng Việt thì quá rẻ, nhưng đến khi đã phải mua đến 900.000 USD tôi thấy cũng đáng. Kết quả của việc này chị đã thấy rồi!
- Thông tin trong từ điển Wikipedia ghi “ Hai người đàn ông từ Việt Nam (không rõ danh tính) trúng đấu giá và mua thị trấn này vào ngày 5/4/2012”. Vậy người kia là ai? Có phải anh đại diện cho người này hoặc ai khác?
Tôi đi Mỹ lần đầu tiên nên cần một người bạn hiểu rõ đường đi nước bước đi cùng mình. Buổi tham gia đấu giá thị trấn Buford có nhiều người Mỹ, Nhật, Trung Quốc… và chỉ có hai người Việt Nam là tôi và anh bạn. Có rất nhiều phóng viên báo chí ở đó và tôi yêu cầu họ không được chụp hình. Trên thực tế, chỉ mình tôi đại diện cho chính mình và đến nay tôi vẫn chưa trả xong số tiền nợ mua Buford.
- Có lời rồi, sao anh không bán luôn khỏi mang nợ?
Bây giờ thị trấn đó không phải của riêng tôi nữa rồi, nó đã trở thành biểu trưng cho tinh thần doanh nhân Việt, tôi nghĩ vậy thôi. Sự kiện có ý nghĩa liên quan tới tinh thần của người Việt nên tôi không thể bán.
- Chưa trả nợ xong tiền mua Buford, nhưng anh lại tiếp tục đầu tư 500.000 USD cho dự án PhinDeli, có mạo hiểm không?
Tất nhiên, tôi cũng không thích nợ, nhưng thấy dự án có tiềm năng phải đi tiếp, không dừng lại được, kinh doanh là vậy. PhinDeli không chỉ là tên mới của Buford mà cũng chính là tên Công ty cổ phần Sản xuất Cà phê PhinDeli. Thực ra con số đầu tư 500.000 USD cho việc đưa PhinDeli ra thị trường là không đủ đâu, nhưng tôi sẽ chọn lọc cái gì nên làm trước, cái gì làm sau.
- Có người nói nhãn hiệu PhinDeli dễ nhớ và có ý nghĩa. Ý tưởng chọn cà phê làm sản phẩm đầu tiên phân phối ở Mỹ đến từ đâu, thưa anh?
Cái tên đó là kết quả của nhiều nhiều người, trong đó có sự góp ý của anh Đỗ Quốc Tuấn. Tôi chọn cà phê vì đây là loại thức uống quen thuộc của cả người Việt lẫn người Mỹ. Tại sao mình không giới thiệu cách uống cà phê của Việt Nam cho người Mỹ biết?
- Anh đã có những động thái gì chuẩn bị cho sản phẩm cũng như hình ảnh về một thị trấn mang tên mới?
Chúng tôi tung ra sản phẩm cà phê PhinDeli gần như đồng thời ở cả Việt Nam và Mỹ, dù nhiều người khuyên tôi nên tập trung vào một thị trường nào đó thôi để “bảo toàn lực lượng”. Tại Việt Nam, cà phê PhinDeli đã được bán tại một số siêu thị lớn, đồng thời từng bước thâm nhập vào hệ thống cửa hàng tạp hóa. Nhờ báo chí đưa tin nên nhân viên bán hàng của chúng tôi đi đến đâu cũng được đón tiếp. Đối với một thương hiệu mới trong ngành cà phê rang xay như PhinDeli thì đây là một kết quả hơn cả mong đợi.
Còn tại Mỹ, chúng tôi sẽ chính thức giới thiệu cà phê PhinDeli vào ngày 3/9 tới tại Buford. Và đây cũng là ngày chúng tôi chính thức đổi tên thị trấn thành PhinDeli, đồng thời giới thiệu quán cà phê PhinDeli đầu tiên tại Mỹ. Điểm độc đáo của quán là bức tranh được thể hiện theo lối hoành tráng dài gần 10m, mô tả các công đoạn trồng, thu hoạch, lưu kho, sơ chế, chế biến và thưởng thức cà phê. Trong ngày đó, khách tham quan thị trấn sẽ được thưởng thức miễn phí cà phê PhinDeli pha bằng phin.
Một pa-nô lớn “Welcome to PhinDeli Town” sẽ được đặt ngay tại địa giới của thị trấn. Tôi nghĩ, đây là nơi mà mọi người sẽ dừng xe lại để chụp hình lưu niệm, giữ lại khoảnh khắc tự hào về một thị trấn cà phê đầu tiên của người Việt trên đất Mỹ. Chúng tôi cũng thuê dài hạn công ty PR chuyên nghiệp loại vừa (PR Buckingham Bates Global Marketing) để quảng bá thương hiệu PhinDeli tại Mỹ. Đây cũng là công ty đã tiếp thị rất thành công cho cuộc đấu giá thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ – Buford.
- Anh có định lôi kéo thêm cư dân về PhinDeli và làm nó sống dậy?
Không! Buford vốn nổi tiếng vì nó là thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ và chỉ có một cư dân. Tôi không muốn phá vỡ điều đó. Tất nhiên, tôi mong muốn thị trấn đó sôi động hơn, khách du lịch dừng chân thưởng thức cà phê, mua sắm đồ lưu niệm, đổ xăng… nhiều hơn, điều đó sẽ góp phần vào nền kinh tế của thị trấn PhinDeli và bang Wyoming. Tôi tập trung sửa sang cửa hàng tốt hơn, tiện nghi hơn, bổ sung nhiều mặt hàng lưu niệm đến từ Việt Nam chứ không định làm dịch vụ lưu trú, dù đất rộng mênh mông.
- Ai sẽ thay anh quản lý ở đó?
Tôi thuê lại chính cư dân cũ của thị trấn là ông Don Sammons, năm nay 63 tuổi. Ông là một đối tác và có thể xem Don là “Đại sứ cà phê Việt”. Điều rất may là ông ủng hộ dự án của tôi và tỏ ra thích thú. Don sống ở gần đó nên sẽ giúp tôi quản lý toàn bộ thị trấn, huấn luyện nhân viên, chưa kể ông am tường từng ngóc ngách của Buford, có thể làm hướng dẫn viên cho du khách. Nếu không có những người như Don thì dự án của tôi không thể thành công được.
- Chưa đến 40 tuổi, có công ty riêng, mua được thị trấn Mỹ như mong ước và nổi tiếng ngay sau đó, có vẻ như anh đang trên đà thành công nhỉ?
Sự thành công thì có nhiều cách nhìn lắm. Tôi cho rằng, không có sự thành công nào là chắc chắn. Nếu bạn có điểm mạnh thì bạn cũng có điểm yếu, không ai mạnh hoàn toàn!
- Thế điểm yếu của anh là gì? Cái gì là… không thể?
Học hoài… mà vẫn không biết bơi! Tôi theo học môn này bốn lần rồi, nhưng lần nào cũng thất bại, các thầy cũng bó tay!
- Điều gì anh coi trọng nhất trong cuộc sống?
Theo tôi, điều quan trọng nhất trong đời là sống tử tế với nhau. Nếu cố gắng sống tử tế với mọi người thì cuối cùng dù có làm gì, kết quả như thế nào mình cũng không hổ thẹn với bản thân, với người thân và bạn bè.
- Xin cảm ơn anh!
Theo DĐDN