Phải xóa độc quyền in ấn sách giáo khoa
(BDO) Thời điểm trước khi khai giảng năm học mới 2018-2019, không ít phụ huynh có con em học các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) đã chạy đôn chạy đáo tìm mua sách giáo khoa (SGK) cho con nếu không đăng ký mua sách ở trường từ trước. Việc chưa mua đủ sách cho con em khi năm học cận kề đã khiến không ít phụ huynh lo lắng. Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về thị trường in ấn SGK đầy tính độc quyền đã tồn tại lâu nay.
Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm SGK được đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam và một số nhà sách đưa ra. Thứ nhất, năm nay do có sự đột biến về số lượng học sinh ở một vài địa phương, nên ở một vài cửa hàng bán SGK nhỏ lẻ có hiện tượng thiếu SGK tạm thời. Nguyên nhân thứ hai, trước thông tin sắp thay SGK mới, một vài công ty sách - thiết bị trường học địa phương năm nay đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành. Như vậy, nếu NXB có sự tính toán tỉ mỉ, có số liệu thống kê, yêu cầu các địa phương báo cáo số lượng học sinh thì không có chuyện phụ huynh phải nháo nhác đi tìm mua SGK như đầu năm học này.
Câu hỏi được đặt ra, tại sao năm nào SGK cũng phải in lại dù kiến thức SGK thường được cho là chuẩn xác, có tính ổn định lâu dài? Cộng thêm tình trạng học sinh phải mua SGK này rồi lại bỏ để mua SGK khác theo yêu cầu của nhà trường là vô cùng lãng phí. Đáng nói là, những năm gần đây, SGK gần như ít được học sinh sử dụng lại. Thực tế, đầu mỗi năm học phụ huynh phải bỏ tiền triệu để mua các loại sách cho con, nhưng hết năm học bán giấy vụn chỉ được vài ngàn đồng!
Trước thông tin phản ánh về việc in và phát hành SGK thời gian gần đây, mới đây Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định về việc kiểm tra việc thực hiện in và phát hành SGK năm học 2018-2019. Theo đó, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành việc kiểm tra về vấn đề in ấn, phát hành SGK năm học 2018-2019 tại NXB Giáo dục Việt Nam. Và vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép cho các NXB có chức năng xuất bản SGK. Một “cuộc chơi mới” sẽ bắt đầu. Sẽ không còn việc độc quyền in ấn, phát hành SGK. Hy vọng khi thị trường SGK được điều chỉnh, thì không những vấn đề chất lượng mà giá cả, sự tiện lợi cho học sinh và phụ huynh cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng tích cực.
NHẬT HUY