Phải khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước
(BDO)
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc
Sáng 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương (Đảng ủy Khối) về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; một số Bộ trưởng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết Đảng bộ Khối gồm có 38 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 36 đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và 2 đảng bộ cơ quan.
Đến ngày 30/12/2021, toàn Đảng bộ Khối có 1.148 tổ chức cơ sở Đảng; 156 đảng bộ bộ phận, 5.742 chi bộ trực thuộc, 87.585 đảng viên.
Các doanh nghiệp trong Khối gồm 9 tập đoàn kinh tế, 20 tổng công ty, 6 ngân hàng, 1 tổ chức tài chính nhà nước với tổng số 930 doanh nghiệp trực thuộc.
Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp tính đến hết quý 1 năm 2022 là 1,1 triệu tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu đạt trên 1,64 triệu tỷ đồng; tổng tài sản của các doanh nghiệp đạt trên 9,93 triệu tỷ đồng.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ủy Khối đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đảng bộ trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng Đảng bộ, tổ chức chính trị-xã hội trong sạch, vững mạnh; phát triển doanh nghiệp, đơn vị vững mạnh, hiệu quả.
Đảng ủy Khối lãnh đạo các Đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trong Khối thực hiện nghiêm túc công tác cổ phần hóa. Hiện, toàn Khối có 21 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thực hiện cổ phần hóa 61 doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đến hết năm 2021, có 18/61 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa (đạt 29,5% kế hoạch). Có 18 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối thực hiện cổ phần hoá 57 doanh nghiệp thuộc Danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ 2017 đến nay, có 9/18 tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện cổ phần hóa được 15/57 doanh nghiệp; trong đó, 3/18 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa theo Danh mục, còn lại 42 doanh nghiệp chưa thực hiện cổ phần hóa.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu.
Đối với công tác thoái vốn, Đảng ủy Khối lãnh đạo các Đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trong Khối thực hiện nghiêm túc các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Có 3 tập đoàn, tổng công ty thực hiện nhiệm vụ thoái vốn nhà nước tại 78 doanh nghiệp.
Đến hết năm 2020, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đã hoàn thành thoái vốn tại 9/45 doanh nghiệp; còn lại 31 doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn. Toàn Khối đã thực hiện thoái vốn theo quyết định của các cấp có thẩm quyền-phê duyệt tại 165/530 doanh nghiệp (đạt 31,1% kế hoạch).
Đáng chú ý, các doanh nghiệp có dự án kém hiệu quả đã chủ động phân tích, đánh giá hiện trạng, xây dựng phương án khắc phục; đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc. Đến nay đã có 5 dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án kém hiệu quả ngành công thương…
Tại cuộc làm việc, các Phó Thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan; lãnh đạo Đảng ủy Khối và các tập đoàn kinh tế đã thảo luận làm rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối đối với tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; những vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của doanh nghiệp; trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, nhất là giải pháp tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bất cập; nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối đối với công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định khu vực doanh nghiệp nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp nhà nước giữ vững vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
Trong giai đoạn nước ta chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 vừa qua, vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được phát huy và thể hiện rất rõ nét, tích cực triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các can đối lớn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương, với 36 Đảng bộ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và 2 Đảng bộ cơ quan, là lực lượng nòng cốt của khối doanh nghiệp nhà nước có vai trò rất quan trọng trong công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong việc phát huy tối đa các nguồn lực mà khối doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ gồm tổng tài sản 9,93 triệu tỷ đồng.
Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Trong giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành cổ phần hóa 39 doanh nghiệp; xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên; chú trọng sắp xếp lại, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công tác quản trị, công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý nguồn nhân lực... của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Đặc biệt, trong năm 2021, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị thông qua phương án xử lý 5/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả và đang tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện phương án xử lý đối với 7 doanh nghiệp còn lại.
Ban cán sự đảng ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định phương án xử lý đối với 4 tổ chức tín dụng yếu kém.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tích cực chỉ đạo xử lý đối với các dự án lớn như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Trung tâm điện lực Ô Môn...
Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương những đóng góp của Đảng ủy Khối cho những kết quả đạt được nêu trên; nhất là sự chủ động, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của Đảng ủy Khối với các cơ quan của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp nhà nước mà Đảng ủy Khối cần tập trung giải quyết như vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét.
Hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, vẫn còn doanh nghiệp, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ kéo dài. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm so với tiến độ đề ra. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu của thị trường...
Cùng với phân tích, nhận định bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, với những khó khăn, thuận lợi đan xen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy Khối cần thực hiện.
Theo đó, Đảng ủy Khối tiếp tục đổi mới, thực hiện hiệu quả các phương thức lãnh đạo cảu Đảng, nguyên tắc tổ chức lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước.
Đảng uỷ Khối phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng Chính phủ, Chính phủ, các Ban cán sự Đảng các bộ ngành liên quan, cùng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách hiệu quả, phù hợp tình hình, điều kiện mới.
Thủ tướng đề nghị Đảng ủy Khối lãnh đạo thúc đẩy cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
"Các doanh nghiệp nhà nước phải góp phần quan trọng vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn trong điều kiện hiện nay," Thủ tướng yêu cầu
Thủ tướng nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp với Đảng ủy Khối và các đảng bộ trực thuộc, các doanh nghiệp tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách để khắc phục vướng mắc, khó khăn trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.
Cần thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; đổi mới quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động, người quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước hợp lý, có tính cạnh tranh cao gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng chỉ rõ cần tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả; trong đó đánh giá chính xác, xác định đầy đủ giá trị doanh nghiệp, bao gồm cả các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu; không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính; tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường.
Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội. Tạo cơ chế để doanh nghiệp chủ động, tự chủ trong xử lý dự án.
Đối với các tổ chức tín dụng, căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp rất cụ thể để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổ chức triển khai, bảo đảm tạo chuyển biến rõ rệt, thực chất, cơ bản xử lý các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh ngân hàng yếu kém, giữ vững ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, phải hoàn thiện hệ thống quản trị, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý theo hướng chuyên nghiệp, có trình độ cao; kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích, tình trạng móc ngoặc, hình thành “nhóm lợi ích,” “sân sau.”
Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị. Tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử... tại doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ vốn, tài sản nhà nước, tài sản doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng và đảng viên trong doanh nghiệp nhà nước.
“Chính phủ mong Đảng ủy Khối tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Chính phủ để hoàn thành các mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm kể trên để khai thác các nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước một cách hiệu quả nhất, tương xứng với tiềm năng của khu vực này theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giải đáp, cho ý kiến đối với các kiến nghị, đề xuất của Đảng ủy Khối và các doanh nghiệp liên quan việc thực hiện sơ kết, đánh giá thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về xếp loại doanh nghiệp và đánh giá, xếp loại người quản lý doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung các Nghị định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng, về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; việc cho phép doanh nghiệp được giữ lại một phần lợi nhuận sau thuế, trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; về lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp nhà nước...
Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, ban hành ngay văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng về các vấn đề nêu trên để giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện các kiến nghị của Đảng ủy Khối; đồng thời đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ đề ra./.
Theo TTXVN