Phải đổi mới việc đào tạo nguồn nhân lực

Thứ sáu, ngày 29/07/2016

(BDO) Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp hè, các bậc cha mẹ của học sinh cuối cấp phổ thông lại đau đáu một điều: Cho con thi vào trường đại học nào? Và có lẽ hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn con mình được vào học ở những trường có tiếng tăm, danh giá. Bởi khi con cái học ở những trường đại học có tên tuổi thì với tấm bằng cử nhân khi ra trường chắc chắn dễ dàng tìm kiếm được việc làm, thậm chí có mức thu nhập cao.

Với cách nghĩ này nên các kỳ thi vào đại học trở thành những kỳ sát hạch vô cùng gian khổ cho học trò và cha mẹ. Họ phải tìm mọi cách và cả chiêu thức khác nhau để con cái vào đại học, thậm chí học ở trường nào cũng được.

Do đầu vào được quá coi trọng cho nên đầu ra chẳng còn được quan tâm, tính toán. Vì vậy hiện nay có hàng chục ngàn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp do không thể tìm được việc làm. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp sau khi vừa nhận các tân cử nhân, kỹ sư vào làm việc lại phải đưa đi “đào tạo lại”, do không thể đáp ứng yêu cầu công việc. Như vậy là vừa lãng phí cho người học và cả xã hội. Câu chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” kéo dài trong nhiều năm qua là hệ quả tất yếu của những bất cập trong định hướng đào tạo không theo sát nhu cầu thị trường lao động. Vì vậy, đội ngũ lao động được đào tạo ra vừa mất cân đối về cơ cấu trình độ cũng như cơ cấu ngành nghề. Điều đó dẫn tới tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động đáp ứng đúng những yêu cầu cần thiết.

Thực tiễn về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực hiện nay đã có đổi thay. Các cơ quan, doanh nghiệp nay đã thẳng thừng từ chối những cử nhân, kỹ sư chỉ có lý thuyết mà không thực hành. Từ chỗ thụ động chờ nguồn nhân lực nay họ đã chủ động đặt hàng các trường đại học, cao đẳng và trường nghề. Chính những đòi hỏi từ thực tiễn buộc các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp phải thay đổi cách tuyển sinh và quá trình đào tạo.

Việc giải bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” cần có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ của ngành giáo dục - đào tạo. Đào tạo nguồn nhân lực phải theo nhu cầu của xã hội là hướng đi đúng. Đào tạo nhân lực phải gắn với thị trường lao động. Vấn đề đặt ra là cần có định hướng phát triển của các ngành nghề trong xã hội. Khi phát triển hệ thống dạy nghề, cần chú trọng cả chính sách lẫn thị trường lao động. Công tác dạy nghề quan tâm nhiều hơn tới thực hành, vừa đáp ứng được nhu cầu học của người lao động, vừa đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.

Hệ quả như đã nói ở trên suy cho cùng chính là do công tác quản lý của ngành giáo dục - đào tạo chưa phát huy hiệu quả trong việc lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo dựa trên dự báo về nhu cầu lực lượng lao động của xã hội. Trong khi chúng ta mở ra quá nhiều trường đại học, cao đẳng mà lại chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống trường dạy nghề. Khi mùa tuyển sinh cao đẳng - đại học 2016 đang đến, xin mạo muội nêu lên một vấn đề thực tế để mọi người cùng suy ngẫm…

 NHẬT HUY