Phải “an cư” mới “lạc nghiệp”
(BDO) - Là một người sinh ra, trưởng thành trên đất Bình Dương, ông có cảm nhận gì về đổi thay, phát triển của vùng đất và con người nơi đây?
- Đó là thành quả mang dấu ấn của trí tuệ, của bản lĩnh kiến tạo, thực thi quyết liệt và hiệu quả đã được kế thừa rất thành công của các thế hệ cán bộ, nhân dân, cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên vùng đất này. Trong vai một công dân, một đại diện và có góp phần nhỏ bé của mình vào thành quả chung đó, tôi rất tự hào. Không thể phủ nhận Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển cùng với TP.Hồ Chí Minh khi Việt Nam mở cửa. Nhưng điều thú vị hơn là các thế hệ lãnh đạo tỉnh trong suốt quá trình phát triển đã mạnh dạn đột phá, quyết liệt thay đổi và dốc sức đầu tư để Bình Dương có cơ sở hạ tầng tốt và môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút nhiều nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước đến lập nghiệp, tạo ra một hình ảnh đẹp và vị thế vững vàng cho Bình Dương.
- Những người lao động đến với Bình Dương góp phần giúp vùng đất này ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn. Ngược lại, vùng đất này tạo ra việc làm, thu nhập giúp họ có cuộc sống ổn định hơn. Nhìn về tương lai, để Bình Dương có thể phát triển thật căn cơ và bền vững, ông có thể nêu ra chính kiến?
- Đúng vậy, dân số Bình Dương hiện có khoảng 2,6 triệu người. Trong 2,6 triệu người thì có đến hơn 50% là người nhập cư. Nói cho công bằng thì tất cả chúng ta đều là người nhập cư vào vùng đất này, chỉ sớm hay muộn thôi. Dù nguồn gốc là từ đâu thì bây giờ gần 2,6 triệu con người này là như nhau, có cùng cơ hội sinh sống cũng như có cùng trách nhiệm với tên gọi Bình Dương. Câu hỏi đặt ra là có hay không bản sắc của người Bình Dương, hay bản sắc mà chúng ta muốn người Bình Dương phải có để tạo ra một giá trị riêng biệt, rõ ràng và được tôn trọng? Tôi xin dành câu hỏi lớn này cho tất cả chúng ta, nhưng dù bản sắc đó là gì thì một điều chắc chắn là người ở đô thị này cần có sự thôi thúc cả từ nội tâm lẫn từ chính quyền, để trong tư duy lẫn ứng xử, thể hiện được những giá trị nhân văn tốt nhất của người Việt và của nhân loại. Tôi luôn mong muốn bất kỳ ai, đến từ đâu đều được bao bọc, yêu thương và có cuộc sống ổn định, hạnh phúc trên mảnh đất này.
- Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, mọi hoạt động kinh doanh gần như bị tê liệt, DN đã khó lại khó hơn khi bị đứt gãy nguồn nhân lực. Trong thời điểm này, bản thân ông và DN của mình đã làm gì để có thể sản xuất, kinh doanh liên tục, đặc biệt là trong việc kết nối con người và giữ chân lao động?
- Do công ty sử dụng lượng lao động rất lớn, hơn 20.000, hàng ngàn người ở từng nhà máy, nên không đủ điều kiện bố trí “3 tại chỗ” cho toàn bộ. Vì vậy, gần 50% lao động của chúng tôi buộc phải ở tại nhà trọ hay về quê, quả thật là đáng tiếc. Với những người ở lại làm “3 tại chỗ”, chúng tôi đã chăm sóc rất tốt, phối hợp với y tế địa phương điều trị những người bị nhiễm bệnh. Do thiếu lao động nên chúng tôi chỉ chạy 50% công suất trong dịch bệnh, hiện là 70%, nhưng chúng tôi đã giữ được sản xuất liên tục, thuyết phục được khách hàng cùng vượt qua giai đoạn gian khó. Mỗi người lao động đều đóng góp vào sự phát triển và thành công của DN. Chúng tôi rất biết ơn điều đó và luôn mong muốn mang lại nhiều giá trị và niềm hạnh phúc hơn nữa cho họ.
- Còn đó bao người lao động ngoài tỉnh cần có một mái nhà để yên tâm “an cư, lạc nghiệp”. Là người được chọn vào Tổ tư vấn cho Chính phủ về kinh tế tư nhân, là Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh, ông có suy nghĩ gì trong việc giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với Bình Dương?
- Bình Dương là tỉnh có tốc độ gia tăng dân số do người lao động mới đến đứng đầu trong toàn quốc nên việc hoạch định và phát triển các thiết chế xã hội chưa theo kịp. Dịch bệnh đã giúp chúng ta thấy rõ hơn đang thiếu như thế nào. Nhận thức được vấn đề là cơ sở đầu tiên cho giải pháp. Tôi tin tỉnh đã và đang làm hết sức mình với nguồn lực có được trong tay, và sẽ cố gắng thêm nữa. Phần còn lại chúng ta cần có sự tham gia của kinh tế tư nhân theo nguyên tắc thị trường. Trong đó, giải pháp lâu dài và quan trọng là phải cải thiện điều kiện sống, cơ hội việc làm và các dịch vụ xã hội cho lao động.
Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh tặng quà cho người lao động
Riêng về vấn đề nhà ở xã hội, lãnh đạo tỉnh và giới doanh nhân có hoạt động tại Bình Dương nắm rất rõ vấn đề này. Trong khả năng cho phép đã cố gắng hết sức để người lao động ngoài tỉnh có thể bắt đầu tiếp cận với các dự án nhà ở xã hội với chi phí phù hợp. Tuy nhiên, số lượng nhà ở xã hội đó chưa thấm vào đâu so với nhu cầu. Và đại đa số người lao động mới đến vẫn đang phải sống ở các khu nhà trọ với điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa về mảng này mới có thể giúp họ an cư được. Các vấn đề chính là nguồn đất phù hợp ở gần các khu công nghiệp, các khu sản xuất chính, cũng như nguồn tài chính có chi phí thấp cho cả các đơn vị phát triển nhà ở xã hội và cho người lao động mua nhà ở xã hội. Thay vì trách nhau vì sao để cho người lao động ra đi, tôi nghĩ nên tìm giải pháp để giữ chân họ ở lại. Tự thân Bình Dương khó mà làm nổi. Để giải quyết tốt các vấn đề này, vẫn cần các chính sách mạnh mẽ từ Trung ương. Nếu thông tin về chính sách được công bố nhanh, rõ ràng và mỗi DN luôn có sự kết nối bền chặt với người lao động của mình, tôi tin, không ai bỏ nhà máy đi cả.
- Trân trọng cám ơn ông!
NGỌC THANH (thực hiện)