PGS.TS Vũ Anh Tuấn: Phát triển hệ thống giao thông công cộng cần sự đột phá

Thứ năm, ngày 23/05/2024

(BDO) Sau khi Báo Bình Dương có loạt bài phản ánh về hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp khó khăn, lượng khách sụt giảm, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông - Vận tải, trường Đại học Việt Đức, đã có những phân tích, đề ra các giải pháp gỡ khó cho vấn đề này. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của PGS.TS Vũ Anh Tuấn.


PGS.TS Vũ Anh Tuấn trình bày dự án phát triển giao thông xanh để hạn chế các phương tiện cá nhân

Cần phải thay đổi

Bình Dương xây dựng thành phố thông minh với trọng tâm vùng đổi mới sáng tạo, trong đổi mới thông minh phát triển bền vững xanh, sạch thì giao thông bền vững đóng vai trò “xương sống”.

Hiện nay hệ thống đường sá của Bình Dương được quy hoạch tốt là tiền đề để mở mới, mở rộng và tăng cường tần suất cũng như chất lượng các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh. Do đó quy hoạch giao thông công cộng (GTCC) đóng vai trò cốt lõi nên cần có giải pháp hạn chế tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân gây ảnh hưởng nhiều đến chiến lược phát triển VTHKCC.

Theo phân tích, đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Giao thông - Vận tải, trường Đại học Việt Đức, khi xây dựng các trạm GTCC thường căn cứ vào mật độ phân bố dân cư, hiện “độ phủ” của mạng lưới dân cư toàn tỉnh còn thấp, trong khi đó “bán kính hấp dẫn” để thu hút người dân đi xe buýt thì 500m phải có một nhà chờ xe buýt, đây là nơi đón và trả khách của xe buýt. Số trạm hiện nay còn yếu và thiếu nên người dân sẵn sàng chọn các phương tiện khác di chuyển.

Theo khảo sát, hiện nay GTCC hàng ngày đạt chưa đến 1% số người dân tham gia nên cần phải nghiên cứu, rà soát lại việc phân bố dân cư, phát triển đô thị phân bố khu công nghiệp và tái cấu trúc lại mạng lưới xe buýt của tỉnh.

Với những tuyến xe buýt đang hoạt động hiệu quả và ổn định thì giữ nguyên và mở mới các tuyến khác để tạo thành mạng lưới phủ rộng khắp kết nối các trung tâm công nghiệp đến các khu dân cư. Các khu công nghiệp có nhiều công nhân thì xe buýt phải nhiều, chạy liên tục, đúng giờ để đáp ứng thời gian làm việc và trở về thì người dân sẽ chọn xe buýt.


Hiện nay nhiều doanh nghiệp vận tải xe buýt áp dụng hệ thống bán vé điện tử cho khách thay vé giấy truyền thống. Ảnh: QUỲNH ANH

Bình Dương là tỉnh nổi tiếng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, đột phá trong xây dựng đô thị thông minh và giao thông bền vững. Vì vậy muốn GTCC phát triển cần phải đảo ngược xu thế bằng cách tiếp tục tăng cường xe buýt, có cơ chế chính sách ưu tiên cho hạ tầng và áp dụng chính sách “trợ giá” như trước đây đã từng làm để kích thích người dân đi xe buýt.

Để làm được điều này, phải tiếp tục nâng cấp mở rộng mạng lưới xe buýt cùng với các chính sách khuyến khích để 50% người dân của tỉnh tiếp cận dịch vụ VTHKCC thì mới đáp ứng mục tiêu 15-20% người dân sử dụng dịch vụ VTHKCC.

Ở những nơi mật độ dân cư càng thưa thớt thì càng phải có chính sách ưu tiên để phát triển VTHKCC. Kết nối từ các trạm giao thông chính đến các khu dân cư, khu công nghiệp để bảo đảm đi lại liên tục và thuận lợi nhất. Người dân cũng có thể sử dụng công nghệ thông minh để kết nối các phương thức giao thông như hiện nay đang áp dụng với các hãng dịch vụ công nghệ. Phát triển và ứng dụng phương thức GTCC do một công ty cung cấp dịch vụ xe buýt có các kích cỡ khác nhau, đưa đón tận nhà đối với một nhóm người như các hãng xe công nghệ hiện nay.

Cần có biện pháp “kéo” và “đẩy”

Một nguyên tắc là muốn chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân sang một phương tiện khác thì phải có đầy đủ hai biện pháp đó là “kéo” và “đẩy”. Biện pháp “kéo” là phát triển phương thức thay thế; nghiên cứu nhu cầu đi lại của người dân để thu hút người dân sử dụng DVCC.

Rất nhiều người có nhu cầu bắt đầu đi lại từ 4 giờ, 5 giờ sáng và kết thúc vào 23 giờ, 24 giờ nên xe buýt cũng phải hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân. Trên thực tế, các tuyến xe buýt hiện nay đều chạy từ 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc 20 giờ hoặc 21 giờ, một số tuyến thấy thưa khách đóng tuyến nên người dân càng quay lưng với xe buýt.

Song song đó, biện pháp “đẩy” là cung cấp cơ sở hạ tầng tốt, dịch vụ GTCC tốt để người dân chọn sử dụng dịch vụ xe công cộng và giảm dần phương tiện xe cơ giới cá nhân.

Do đó để kiểm soát xe cá nhân hiệu quả, Bình Dương phải làm tốt công tác quy hoạch về hệ thống đỗ xe; lòng, lề đường, vỉa hè và các bãi giữ xe tập trung phải được quy hoạch quản lý một cách bài bản; người sử dụng phương tiện cá nhân phải trả các chi phí xã hội. Đó là chưa kể việc sử dụng các phương tiện như xe máy nhiều cũng tiềm ẩn các nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Để chiến lược phát triển VTHKCC thành công cần phải có sự đầu tư bài bản, lâu dài để làm một cách thực chất chứ không thực hiện một cách “nửa vời” và tính đến việc sinh lời. Đây cũng là bài học về VTHKCC mà nhiều nước trên thế giới đã làm và rút ra kinh nghiệm.

Theo đại diện Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT), hiện số phương tiện tham gia vận chuyển HKCC có 143 phương tiện, trong đó có 65 phương tiện sử dụng khí CNG.

Ông Đàm Trọng Cường, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh, cho biết từ năm 2009 đến năm 2012 toàn tỉnh có 22 tuyến xe buýt hoạt động ổn định, giá vé xe buýt do Nhà nước quản lý. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn này vận chuyển được 1.720.747 chuyến, sản lượng vận chuyển đạt 49.743.420 hành khách, bình quân vận chuyển 29 hành khách/chuyến.

Từ năm 2013 đến cuối năm 2023, bình quân vận chuyển 16,6 hành khách/chuyến. Sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe buýt giảm đều qua các năm, bình quân giảm 1 triệu lượt hành khách/năm.

QUỲNH ANH (ghi)