PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Hành chính khu vực II: Không lựa chọn tăng trưởng bằng mọi giá

Thứ sáu, ngày 15/04/2022

(BDO)  

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Công nghiệp phát triển đúng định hướng và tiếp tục là trụ cột tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Đồng thời, công nghiệp tăng trưởng nhanh đã lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành thương mại - dịch vụ, xuất nhập khẩu. Tỷ trọng ngành dịch vụ, đặc biệt là các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao không ngừng gia tăng; thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng.

Nhiều năm liền Bình Dương là 1 trong 5 tỉnh, thành có tỷ lệ xuất siêu lớn nhất cả nước. Kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ bởi sự quan tâm đầu tư từ ngân sách và sự tích cực hưởng ứng của nhân dân nên quá trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn diễn ra nhanh chóng. Sự tăng trưởng nhanh với chất lượng cao của hầu hết các ngành kinh tế đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Song song đó, hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện...

PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, Bình Dương có được như ngày hôm nay là kết quả từ bao nhiêu tâm sức của những người lãnh đạo, của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thứ hai để có sự tăng trưởng như thế này, chắc chắn phải có sự đột phá. Đột phá về tất cả các khâu, cái nào làm trước, cái nào làm sau, đột phá về sự đồng hành cùng với doanh nghiệp, đột phá về những chủ trương, chính sách. Tất cả những điều đó cần phải tổng kết, từ đó đúc rút bài học kinh nghiệm.

Ông Dũng cũng hoan nghênh chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương trong việc tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”. Qua hội thảo sẽ khảo sát, đánh giá xây dựng chiến lược cho Bình Dương trong chặng đường tiếp theo, đồng thời cũng là dịp để tổng kết về những mô hình phát triển tại Bình Dương. Bình Dương phải tổng kết được những ưu điểm, những thành tựu, đồng thời chỉ ra những hạn chế, có như vậy mới phát triển bền vững được. Xu hướng phát triển bền vững hiện nay là gắn với bảo vệ môi trường, là nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng không phải bằng mọi giá. Nếu sự tăng trưởng làm tổn thương đến môi trường thì không nên lựa chọn.

TRÍ DŨNG