PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu: Người thầy thuốc nặng lòng với Bình Dương
(BDO) Dốc sức bảo vệ nhân dân
Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ 4 với sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan với tốc độ nhanh. Từ đầu tháng 7-2021 tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vượt qua mọi dự báo. Trong thời gian chưa đến 1 tuần, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu, cùng tập thể thầy thuốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Quốc tế Becamex (TP. Thuận An), Tổng Công ty Becamex IDC đã thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực ICU Bình Dương 300 giường và có thể mở rộng lên 500 giường khi cần thiết. Với cương vị là Giám đốc y khoa Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương, cùng với thầy thuốc của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hàng ngàn thầy thuốc, nhân viên y tế của tỉnh, các tỉnh, thành tăng viện, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, tỷ lệ ca tử vong thấp.
PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu dùng loa cầm tay để động viên bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến Thới Hòa an tâm điều trị
“Tôi rất bất ngờ khi lần đầu vào tham quan Bệnh viện Quốc tế Becamex, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, các quy chuẩn phòng hồi sức cấp cứu, máy ECMO, phòng phẫu thuật… đạt và thậm chí vượt tiêu chuẩn châu Âu. Cơ sở vật chất, những phương tiện mà bệnh viện có không phải nơi nào cũng có thể đầu tư, trang bị được, đó là “niềm mơ ước” của tất cả những người thầy thuốc chúng tôi. Điều kiện tại đây quá tốt để xây dựng Bệnh viện dã chiến tầng 3”, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
“Ngay sau khi tỉnh Bình Dương đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến, phấn khởi nhất đó chính là công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, với số ca công bố khỏi bệnh nhiều hơn số ca nhập viện. Số bệnh nhân công bố khỏi bệnh nhiều hơn số người mắc mới đó là minh chứng cho thấy Bình Dương đã vận hành và phát huy tốt trong công tác thu dung, điều trị và kiểm soát dịch bệnh”, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu nhớ lại.
PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu cho biết thêm ở thời điểm khó khăn về nguồn nhân lực, ông đã tư vấn và tham mưu cho ngành y tế là gộp số khu cách ly nhỏ, đang thu dung ít lại để tăng cường nhân lực cho tầng 2, tầng 1. Ngoài ra, đóng cửa khu cách ly nhỏ, tăng cường rà soát điều trị và cho người bệnh ra viện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, trở về cách ly tại nhà. Việc tỉnh Bình Dương thành lập các trạm y tế lưu động đặt tại các khu công nghiệp và tại các địa phương là một hướng đi đúng đã giúp tỉnh sớm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác thu dung, điều trị.
“Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc rất mạnh mẽ. Tùy theo giai đoạn dịch bệnh để triển khai phù hợp các hướng dẫn, xử lý, ổn định, kiểm soát tốt tình hình. Việc tỉnh sớm đưa vào và triển khai điều trị sớm theo phác đồ của Bộ Y tế đã giúp giảm các ca nặng, tỷ lệ ca tử vong thấp. Tất cả đã cùng nhau đoàn kết, nỗ lực để phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân”, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ thêm.
Còn đó nỗi niềm
Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu cho biết ông đã đề xuất tỉnh những giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Bình Dương đã và đang thực hiện quyết sách mới phù hợp với điều kiện “bình thường mới”. Cụ thể, quyết định đóng cửa các khu cách ly tập trung, thay vào đó thành lập các khu điều trị Covid-19 chuyên biệt tại các huyện, thị, thành phố. Đặc biệt, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, đưa các trạm y tế vào các khu công nghiệp, tăng cường các tổ y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn gắn chặt với trung tâm y tế tại địa phương.
PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu căn dặn các đồng nghiệp, học trò chú ý công tác chuyên môn, chăm lo tốt sức khỏe người dân Bình Dương
Bước sang năm 2022, Bình Dương đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, theo PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu, thời gian tới tỉnh cần tiếp tục thực hiện các biện pháp như: Về dịch tễ tiếp tục có kế hoạch tầm soát, kịp thời phát hiện các ổ dịch bệnh lớn trong cộng đồng để khoanh vùng diện nhỏ. Không đưa người nhiễm đi cách ly tập trung mà thay vào đó đưa cơ quan y tế đến hỗ trợ; đồng thời bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Kế đến, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, tăng cường chất lượng điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
“Khi có ca bệnh, tập trung điều trị, tỷ lệ tử vong thấp, Covid-19 được xem như bệnh truyền nhiễm thông thường, người dân hoàn toàn an tâm. Qua tìm hiểu tôi được biết Bình Dương có GDP tốp 3 của cả nước, thế nhưng năng lực y tế so với các tỉnh, thành là vấn đề rất đáng quan tâm. Đặc biệt, nâng cao năng lực của nhân viên y tế là điều mà tỉnh cần quan tâm hơn trong thời gian tới. Chúng tôi phấn khởi khi được lãnh đạo tỉnh cho biết trong thời gian tới tỉnh sẽ nâng cao chất lượng nhân viên y tế, từng bước biến Bình Dương thành một Trung tâm Khoa học kỹ thuật, y học và giáo dục của khu vực miền Đông”, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.
Nặng tình với Bình Dương, trăn trở về năng lực của nhân viên y tế, cuối tháng 10-2021, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu đã cùng đội ngũ bác sĩ, giảng viên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mở ngay lớp nâng cao chất lượng đội ngũ khoa học của bác sĩ và điều dưỡng trong hồi sức cấp cứu nói chung và trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19 nói riêng, nhằm góp phần bồi dưỡng cho lực lượng nhân viên y tế tỉnh nhà. Dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, nhưng PGT-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu cũng đưa ra khuyến nghị đối với người dân dù đã tiêm đủ vắc xin nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Nếu bùng phát dịch bệnh trở lại dễ dẫn đến quá tải cho ngành y tế địa phương. PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu cũng không quên gửi lời chúc người dân tỉnh nhà sức khỏe, bình an để đón tết cổ truyền dân tộc đầm ấm bên gia đình, người thân.
MINH DUY