Ông Vũ Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Bình Dương: Phát triển đô thị không thể thiếu xe buýt
(BDO) Vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện xe buýt vừa an toàn, tiết kiệm, góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân lên hệ thống giao thông đường bộ, giao thông đô thị… Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phát triển xe buýt đô thị, hiện nay cần có những thay đổi để xe buýt làm tốt hơn nữa nhiệm vụ vận tải hành khách công cộng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh.
- Hệ thống xe buýt của Bình Dương hiện nay cần có những thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước về phát triển xe buýt công cộng gắn liền với quá trình thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh. Thực tế cho thấy, những năm qua tốc độ gia tăng dân số cơ học của Bình Dương diễn ra nhanh, đây vừa là niềm vui bởi vì “đất lành chim đậu”, nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong vấn đề đi lại. Thấy được vấn đề này, từ năm 2003 lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã cho phát triển đề án xe buýt đô thị. Sự ra đời của xe buýt là niềm vui của người dân trong tỉnh, nhất là người có thu nhập thấp, sinh viên, học sinh, người dân nông thôn… Đối với các đơn vị vận tải hành khách công cộng cũng rất phấn khởi vì được tham gia vào nhiệm vụ này.
Xe buýt tập kết tại Bến xe khách tỉnh. Ảnh: Q.NHIÊN
Đã hơn 10 năm hệ thống xe buýt hoạt động trên địa bàn tỉnh, phương tiện xe buýt nay đã hết khấu hao, xuống cấp và không còn được trợ cấp nên doanh nghiệp vận hành chỉ hoạt động cầm chừng, chờ đến ngày phương tiện hết hạn lưu hành thì thanh lý. Do không còn được trợ cấp nên doanh nghiệp đã phải phát huy hoàn toàn tính tự chủ trong hoạt động. Thời gian gần đây, giá nhân công lao động, lương nhân viên, phí đường bộ, phí cầu đường điều tăng cũng do phương tiện xuống cấp; trong khi đó ở một số tuyến xa ít khách thu không đủ chi nên các doanh nghiệp đã chọn phương án ‘tồn tại bất đắc dĩ” là giao khoán cho lái xe để duy trì hoạt động. Từ đó dẫn đến trễ chuyến, giãn chuyến, tăng phí để bảo đảm hoạt động.
Các khoản đầu vào đều tăng nên phí, giá vé xe buýt cũng phải tăng, dẫn đến việc phương tiện xe buýt không hấp dẫn người dân. Tính toán cho thấy, chi phí đi lại phải dưới 10% thu nhập thì người dân mới sử dụng xe buýt, bởi vì ngoài xe buýt người dân còn dễ dàng lựa chọn phương tiện đi lại khác phù hợp, thuận tiện, mà phương tiện cá nhân là lựa chọn dễ nhất. Trước đây, người dân muốn mua xe máy cần phải có số tiền từ 10 triệu đồng trở lên, nhưng nay có rất ít tiền cũng mua được xe máy để đi lại… Do đó, theo tôi xe buýt cần được trợ giá để hoạt động, làm tốt vai trò vận tải hành khách công cộng, qua đó góp phần vào quá trình phát triển tỉnh nhà văn minh, hiện đại.
- Đề án phát triển xe buýt của tỉnh xác định đi từ chỗ trợ giá sang tự chủ. Đã tự chủ rồi thì sao lại phải cần trợ giá. Hơn nữa, tỉnh cũng cho biết sẽ hỗ trợ lãi suất giúp các doanh nghiệp đổi mới phương tiện, đây cũng là hình thức hỗ trợ rồi, thưa ông?
- Như trên tôi đã nói, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng đòi hỏi đầu tư lớn, dài hạn. Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng của tỉnh là hoàn toàn đúng với lộ trình trợ giá xe buýt để đi đến các doanh nghiệp xe buýt hoạt động tự chủ, tuy nhiên với suất đầu tư lớn doanh nghiệp không đủ khả năng về vốn để tái đầu tư nâng cấp phương tiện. Thấy được thực tế này, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ để các doanh nghiệp có điều kiện đổi mới phương tiện nhằm phát huy vai trò của phương tiện xe buýt trong đô thị. Kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp xe buýt không lớn, cụ thể như Đồng Nai mỗi năm hỗ trợ không đến 50 tỷ đồng. Bù lại, hệ thống giao thông được giảm áp lực, xã hội giảm kẹt xe, tai nạn giao thông giảm, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh tăng…
Đối với vấn đề hỗ trợ lãi suất, vì suất đầu tư lớn nên việc hỗ trợ lãi suất sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Nếu được hỗ trợ về giá thì giá vé xe buýt sẽ giảm, người dân đi xe buýt đông hơn giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì tổ chức tín dụng dễ dàng hỗ trợ và phương tiện xe buýt phát huy tốt vai trò không thể thiếu trong đô thị.
- Theo ông, nếu được trợ giá thì mỗi năm tỉnh cần hỗ trợ bao nhiêu và phương án thực hiện sẽ như thế nào?
- Hiện nay, nhiều tuyến xe buýt về các địa phương vùng xa như Dầu Tiếng, Tân Uyên… hành khách thưa dần, chủ doanh nghiệp phải ứng phó bằng cách giãn giờ, tăng giá. Trong khi đó, hệ thống nhà chờ, trạm dừng trên địa bàn tỉnh cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến xe dừng đỗ không đúng nơi quy định, kéo dài thời gian lưu hành.
Nếu được trợ giá, chúng tôi đề xuất tỉnh nên xem xét hỗ trợ các tuyến đi về vùng nông thôn, khu di tích lịch sử cách mạng, các khu công nghiệp, những nơi đông người có thu nhập thấp…, sau đó mới xem xét hỗ trợ tiếp các tuyến còn lại. Tổng dự trù mỗi năm, chúng tôi dự tính cần hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ này, hình ảnh xe buýt sẽ đến gần hơn với mọi người, góp phần thực hiện thắng lợi việc xây dựng đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại.
- Xin cảm ơn ông!
DUY CHÍ (thực hiện)