Ông Võ Văn Thưởng: Nâng cao chất lượng, đạo đức đội ngũ người làm báo

Thứ năm, ngày 31/12/2020

(BDO) Sáng nay (31/12), tại tỉnh Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành, các cơ quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí dự hội nghị.

800 đại biểu dự Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021

Năm 2020 hoạt động báo chí có nhiều dấu ấn quan trọng. Trong bối cảnh mới, các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nội dung phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao, nâng cao tính chuyên sâu của các tác phẩm, sản phẩm báo chí. Đặc biệt là tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng...

Bên cạnh nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, báo chí ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin giải trí của công chúng. Nhiều cơ quan báo chí có sự đổi mới mạnh mẽ, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, liên kết hợp tác chương trình hay và hấp dẫn, tạo nguồn thu và giảm gánh nặng cho ngân sách.

Lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, chủ quản báo chí và cơ quan báo chí dự hội nghị

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được triển khai quyết liệt, cơ bản đảm bảo tiến độ. Trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí, còn 779 cơ quan báo chí. Có 2 địa phương chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ là Quảng Ninh và Bình Phước. Do tác động của đại dịch và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, kinh tế báo chí bị ảnh hưởng lớn, giảm cả về doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường nội dung góp ý, phản biện xã hội trên các kênh sóng, phương tiện

Theo đánh giá, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, nhạy cảm; việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan đến việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp lợi ích quốc gia, dân tộc, tình trạng "báo hóa" các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội "núp bóng" hoạt động như cơ quan báo chí. Tuy vậy, hoạt động báo chí năm qua vẫn còn tồn tại tình trạng thông tin chưa toàn diện, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, một số cơ quan vẫn chạy theo xu hướng "giật gân", cá biệt có trường hợp sửa tin bài có dấu hiệu tiêu cực, phóng viên vi phạm luật báo chí và đạo đức nghề nghiệp...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò xung kích của báo chí, đặc biệt là những "năng lượng tích cực" mà báo chí lan tỏa trong năm qua, đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và được quốc tế đánh giá cao.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ rất cần việc đẩy mạnh hơn nữa sự góp ý, có tính phản biện của toàn xã hội qua nhiều kênh, trong đó có báo chí: "Những năm vừa qua thực hiện sự kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều báo đã mở chuyên mục góp ý, nhưng chưa được tất cả, và cơ bản sự góp ý đó chưa đủ sâu. Đây là việc Chính phủ rất mong Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Thông tin Truyền thông dưới sự lãnh đạo của Ban Tuyên giáo, chúng ta cùng nhau bàn để có hình thức, các kênh phát động sao cho việc góp ý này cũng sôi nổi, phản biện được các vấn đề về xây dựng chính sách".

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý báo chí năm 2021

Qua tham luận trao đổi của lãnh đạo các cơ quan báo chí, các đại biểu dự Hội nghị nhận định rõ xu hướng và thách thức cho hoạt động báo chí hiện nay, như việc chuyển đổi số, dịch chuyển phương thức tiếp cận thông tin của công chúng, cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông; thách thức của ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, áp lực chuyển đổi mô hình cơ quan báo chí,...

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, năm 2021 là năm đặc biệt ý nghĩa đối với nước ta, trong bối cảnh dịch bệnh và tình hình thế giới còn nhiều phức tạp, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tạo sự thống nhất; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; chuyển đổi số. Các cơ quan chủ quản tiếp tục thực hiện quy hoạch, xây dựng lộ trình tự chủ và đổi mới, sắp xếp bộ máy... Các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, đậm nét, đặc biệt là tin bài về các sự kiện trọng đại của đất nước; tiếp tục ứng dụng công nghệ; nâng cao chất lượng, đạo đức đội ngũ người làm báo, đổi mới tư duy để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng. 


Nhiều tập thể, cá nhân nhận Bằng khen cho các thành tích trong công tác báo chí năm qua

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị: "Cần xác định năm 2021 là năm tạo bước chuyển tích cực, rõ nét hơn nữa trong tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trong công tác quản lý báo chí, chấn chỉnh vi phạm hoạt động của báo chí. Để nâng cao chất lượng của báo chí điều kiện đầu tiên và tiên quyết bắt đầu từ xây dựng đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp. Người làm báo phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh nghề nghiệp, có khả năng thích ứng với thời cuộc, nắm bắt và làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, tiệm cận với báo chí và truyền thông quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của người làm báo cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam"./.

Theo VOV