Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Bình Dương: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội...

Thứ sáu, ngày 14/06/2024

(BDO) Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị 40), Bình Dương đã tạo nhiều bước đột phá hỗ trợ đối tượng yếu thế thay đổi cuộc sống, để không ai bị bỏ lại phía sau. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Bình Dương.

 Ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Dương

- Xin ông cho biết những kết quả đạt được của Bình Dương sau thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị 40?

- Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng Trung ương, UBND tỉnh và UBND cấp huyện đã luôn quan tâm tạo lập nguồn vốn để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhất là sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW, Quyết định số 401/ QĐ-TTg, Kết luận số 06-KL/ TW, Quyết định số 1630/QĐ- TTg được ban hành; nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến đúng các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Kết quả bố trí, huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội như sau: Tổng nguồn vốn tín dụng chính đến ngày 30-4-2024 đạt 4.717.291 triệu đồng, (tăng gần 3,5 lần) so với thời điểm ngày 31-12- 2014; trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đến ngày 30-4-2024 đạt 1.967.609 triệu đồng (tăng gần 30 lần) so với thời điểm ngày 31-12-2014.

- Nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Dương, chất lượng hoạt động của ban đại diện hội đồng quản trị các cấp trong thời gian qua được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trong những năm qua, ban đại diện hội đồng quản trị các cấp đã thực hiện tốt quy chế hoạt động, các nghị quyết của cấp mình và cấp trên đề ra; kịp thời tham mưu HĐND, UBND bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; thực hiện giao chỉ tiêu nguồn vốn cho vay phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của địa phương; kịp thời đề ra các biện pháp, giải pháp chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH các cấp.

Thông qua hoạt động của ban đại diện hội đồng quản trị các cấp, việc triển khai các chương trình tín dụng của NHCSXH ngày càng thuận lợi hơn, có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở. Qua đó, các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành và của tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc; đáp ứng nhu cầu vay vốn và hỗ trợ vốn vay đúng đối tượng, hoạt động của NHCSXH ngày càng đạt được hiệu quả tích cực về mặt xã hội theo đúng mục tiêu đã đề ra.

 NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Dương giao dịch tại điểm giao dịch TP.Thủ Dầu Một

- Thưa ông, trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội được thực hiện như thế nào?

- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương thường xuyên quan tâm chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực phối hợp với NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bình Dương thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền đến tất cả người dân về tín dụng chính sách, bảo đảm tất cả người dân có nhu cầu vay vốn, đủ điều kiện theo quy định phải được xem xét cho vay.

Về quản lý vốn của hội đoàn thể, thời gian qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã triển khai tốt chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy trong việc tuyên truyền thực hiện chủ trương đối với hoạt động tín dụng chính sách. Trong những năm gần đây, qua việc kiểm tra giám sát, báo cáo của HĐND tỉnh, huyện, thị, thành phố, tình hình phản ánh, khiếu nại của người dân liên quan đến tín dụng chính sách gần như không còn phát sinh.

- Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp nào về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thưa ông?

Tổng nguồn vốn tín dụng tính đến ngày 30-4-2024 đạt 4.717.291 triệu đồng, (tăng gần 3,5 lần) so với thời điểm ngày 31-12-2014; trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đến ngày 30-4-2024 đạt 1.967.609 triệu đồng (tăng gần 30 lần) so với thời điểm ngày 31-12-2014.

- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định hoạt động tín dụng chính sách sẽ tiếp tục là giải pháp quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những giải pháp thực hiện cụ thể đó là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền sâu rộng trong Đảng, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người dân về các chủ trương, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền; nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách; quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Đảng đoàn HĐND tỉnh, ban cán sự Đảng UBND tỉnh căn cứ các quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương để chỉ đạo các cấp chính quyền tiếp tục cân đối nguồn vốn địa phương để ủy thác qua NHCSXH cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cho phù hợp với đặc điểm địa phương; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới (đặc thù) cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời gian…

- Xin cảm ơn ông!

TƯỜNG VY (thực hiện)