Ông Võ Tuấn Kiệt: Người cán bộ hòa giải hiểu lòng dân
(BDO) “Hòa giải khéo phải có lý, có tình”
Mấy tháng nay, ông Võ Tuấn Kiệt lúc nào cũng tất bật, “đầu tắt mặt tối” vì bận tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương. Với vai trò là Trưởng ban điều hành khu phố, ông bận rộn hơn bao giờ hết vì dốc lòng, dốc sức để cùng nhân dân vượt qua đại dịch. Khi địa phương trở về trạng thái “bình thường mới”, cũng là lúc ông dần dần trở lại với công việc hòa giải như trước kia ông vẫn làm. Ông Kiệt năm nay đã 55 tuổi nhưng dáng người cao ráo, khỏe mạnh, giọng ôn hòa, ấm áp. Qua câu chuyện ông kể có thể cảm nhận được niềm đam mê dành cho công tác hòa giải ở cơ sở mà ông đã đảm nhận gần chục năm nay.
Sau khi nghỉ việc tại một công ty, ông về tham gia công tác tại địa phương. Ông Kiệt bắt đầu đảm nhận việc hòa giải tại khu dân cư mình sinh sống từ năm 2003, lúc đó ông là Phó ban điều hành khu phố Đông Tân. Từ đó đến nay, ông tham gia hòa giải ở cơ sở kèm nhiều chức vụ khác nhau. Có lúc là một cán bộ mặt trận năng nổ, có khi lại là một trưởng ban điều hành khu phố mẫu mực, nhiệt tình. Đặc biệt, trong lĩnh vực hòa giải cơ sở, nhiều năm liền, ông được nhân dân tín nhiệm bầu là hòa giải viên tiêu biểu. Từ năm 2012, ông giữ cương vị Tổ trưởng tổ hòa giải kiêm Trưởng ban điều hành khu phố Đông Tân.
Ông Võ Tuấn Kiệt (thứ 4, từ phải qua) cùng các lực lượng tham gia trực chốt trong những ngày phòng chống dịch Covid -19
Việc nắm bắt tình hình trong khu phố là một công việc như là thói quen của ông. Nếu là chuyện vui, thì ông đến chia vui; nếu là chuyện buồn thì ông chia sẻ. Khi phát hiện trong khu phố có những biểu hiện mâu thuẫn, xích mích thì dù nắng, mưa... ông vẫn miệt mài đến gặp từng người để chia sẻ, tư vấn, hòa giải. Ông Kiệt kể, ông đã tham gia hòa giải hàng trăm vụ tranh chấp, xung đột, vụ nào ông cũng nhớ, nhưng ấn tượng nhất vẫn là lần tham gia hòa giải vụ tranh chấp đất đai của hai anh em trong gia đình vào năm ngoái. Khi đó, nhận được tin, ông và các thành viên khác trong tổ hòa giải đã đến ngay sau đó. “Khi có tranh chấp, anh em họ đã gây gổ, chửi bới nhau thậm tệ; tranh chấp nhau từng tấc đất, không bên nào chịu bên nào”, ông Kiệt kể. Sau khi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người, tổ của ông quyết định hòa giải theo kiểu “đặt vị trí của người này cho người kia” và ngược lại; cộng thêm sự vận động hòa giải của những người lớn tuổi - những người có uy tín trong khu phố. Sau 2 lần đến hòa giải, 2 bên đã đồng thuận và không còn tranh chấp nữa.
Theo ông Kiệt: “Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là khiếu kiện về nhà ở, đất đai. Tại nhiều khu dân cư nảy sinh những vụ việc tranh chấp về đất đai, tường rào, ngõ đi chung”. Câu chuyện trên chỉ là một trong số những vụ việc mà tổ hòa giải khu phố Đông Tân do ông Kiệt là tổ trưởng đã hòa giải thành công. Với sự tâm huyết, nhiệt tình trong công việc cộng với vốn sống, hiểu biết luật pháp và khả năng thuyết phục “thấu tình, đạt lý”, khách quan, công bằng ông đã hòa giải kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, tránh để “bé xé thành to”.
“Mưa dầm, thấm lâu”
Đã chứng kiến nhiều vụ việc lớn nhỏ xảy ra trên địa bàn, có những mâu thuẫn trong gia đình với lý do ban đầu rất nhỏ, sau lại thành mâu thuẫn lớn; có những vụ việc nguyên do chỉ vì quan niệm sống, thói quen sinh hoạt khác biệt nhau giữa các thế hệ trong cùng gia đình; hàng xóm láng giềng có lúc lời qua tiếng lại vì những tranh chấp nhỏ mà không giữ được bình tĩnh, xảy ra xô xát... Theo ông Kiệt: “Việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình để lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian công sức, nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của bà con trong khu phố”.
Ông bộc bạch với chúng tôi về những nỗi niềm trong công tác hòa giải, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm đã đúc rút ra từ chính quá trình hòa giải của mình. Khi hòa giải, ông luôn vận dụng phương châm “mưa dầm thấm lâu” kèm với quy định của pháp luật và những hiểu biết về pháp luật có liên quan bằng lời nói nhẹ nhàng đầy sức thuyết phục, giải thích có lý, có tình nhằm thuyết phục hai bên đi đến thỏa thuận vui vẻ. Thêm một kinh nghiệm nữa của ông Kiệt trong công tác hòa giải là không nên có quá nhiều người trong tổ tham gia vì dễ gây “nhiễu” thông tin, khiến cho đối tượng khó tiếp nhận.
Phát huy vai trò của Ban điều hành khu phố, đặc biệt, ông coi trọng những người cao tuổi - những người có uy tín trong gia đình, cộng đồng để hòa giải nhiều vụ việc. Không phải vụ việc nào các thành viên cũng tham gia, tùy theo tính chất vụ việc, tuổi tác, tính cách của đối tượng, hoàn cảnh mà tổ cắt cử một hoặc một số hòa giải viên gặp gỡ nắm tình hình, xoa dịu mâu thuẫn. Mỗi năm, Tổ hòa giải khu phố Đông Tân hòa giải thành công trung bình 15 vụ mâu thuẫn các loại.
Gần chục năm làm công tác hòa giải, với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngày đêm, mưa nắng, ông đã mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình đang đứng trên bờ tan vỡ. Thế nhưng, ông Kiệt vẫn khiêm tốn cho rằng mình chưa làm được gì nhiều nên rất ngại khi nói về mình…
HUỲNH THỦY