Ông Từ Phương Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Sở TN&MT: Quy hoạch sử dụng đất nhằm định hướng cho các ngành phát triển

Thứ năm, ngày 22/08/2013

Bình Dương vừa mở hội nghị công bố Quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) 5 năm (2011-2015) trên địa bàn tỉnh. Để bạn đọc có điều kiện hiểu sâu hơn về quy hoạch, kế hoạch này, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với ông Từ Phương Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường.  

Đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn góp phần kết nối giao thương ở các khu vực trong và ngoài tỉnh

- Thưa ông, việc QHSDĐ có ý nghĩa như thế nào?

- Đất đai là tài sản chung và quý giá của mỗi quốc gia, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, lâu bền luôn là yêu cầu cấp thiết trong hoạch định chiến lược sử dụng đất. Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai là 1 trong 13 nội dung quản lý về đất đai và được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Bình Dương đã tiến hành QHSDĐ giai đoạn 2001-2010 và phát huy tác dụng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong công tác quản lý sử dụng đất đai nói riêng. Trên cơ sở đó, Bình Dương kịp thời triển khai lập QHSDĐ đến 2020 và KHSDĐ 5 năm kỳ đầu (2011-2015). Đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, làm căn cứ cho việc giao đất, thuê đất, thu hồi đất và định hướng sử dụng đất cho các ngành phát triển.

- Ông có thể cho biết những điểm chính quan trọng trong KHSDĐ ở Bình Dương giai đoạn 2011-2015?

- Theo Nghị quyết số 78/ NQ-CP ngày 19-6-2013 của Chính phủ phê duyệt QHSDĐ đến năm 2020 và KHSDĐ 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Bình Dương, tổng diện tích đất quy hoạch đến năm 2020 là 269.443 ha, trong đó, đất nông nghiệp 174.403 ha (64,73%); đất phi nông nghiệp 94.963 ha (35,24%). Diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là 33.999 ha. Riêng diện tích đất lúa đến năm 2020 là 3.150 ha (trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 3.000 ha).

KHSDĐ 5 năm thời kỳ đầu (2011-2015) được điều chỉnh hàng năm, đất nông nghiệp năm 2011 là 207.967 ha, năm 2012 là 203.810 ha, năm 2013 là 199.822 ha, năm 2014 là 194.785 ha, năm 2015 là 189.921 ha; đất phi nông nghiệp năm 2011 là 61.443 ha, năm 2012 là 65.633 ha, năm 2013 là 69.621 ha, năm 2014 là 74.658 ha, năm 2015 là 79.522 ha. Diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là 18.558 ha.

- Để KHSDĐ có tính khả thi cao, chúng ta phải làm gì?

- Để thực hiện quy hoạch, KHSDĐ có tính khả thi cao, chúng ta cần tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. 5 nhóm giải pháp chính là:

Thứ nhất, về giải pháp về chính sách, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế huy động vốn để các tổ chức phát triển quỹ đất tỉnh, huyện hoạt động có hiệu quả, bảo đảm đủ quỹ đất sạch phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục hoàn thiện cơ chế quy định công khai các dự án đầu tư trong quá trình giao dự án và triển khai thực hiện dự án để cộng đồng và mọi người dân cùng kiểm tra giám sát; cùng đó hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo môi trường thông thoáng hơn về thu hút đầu tư và huy động các nguồn lực vào thực hiện các dự án, nhất là những dự án mang tính đột phá cho các ngành động lực và vùng trọng điểm.

Thứ hai, về giải pháp về nguồn lực, vốn đầu tư, cần xây dựng giải pháp và lộ trình nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và QHSDĐ các cấp, để có đủ khả năng thực hiện việc lập, giám sát, thanh kiểm tra và xử lý những vi phạm trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, KHSDĐ. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường (MT) thông thoáng về thu hút đầu tư và huy động các nguồn lực thực hiện các dự án.

Thứ ba, về giải pháp về công nghệ, cần xây dựng mạng thông tin đất đai và kết nối nối mạng hệ thống các cơ quan quản lý đất đai từ tỉnh xuống đến xã và các đơn vị có liên quan, đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin của ngành và của người dân về QHSDĐ các cấp, các dự án; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác lập quy hoạch, KHSDĐ (viễn thám, GIS…), nhất là các chương trình giúp nâng cao năng suất, chất lượng công tác quy hoạch, triển khai nhanh và đồng bộ về quy hoạch giữa các cấp.

Thứ tư, đối với giải pháp về bảo vệ, cải tạo đất đai và bảo vệ môi trường (BVMT), cần tăng cường các hoạt động BVMT, nâng cao năng lực quản lý về MT cho hệ thống tổ chức trong lĩnh vực MT; hoàn thiện mạng lưới quan trắc đáp ứng nhu cầu giám sát chặt chẽ MT; bổ sung lực lượng đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng, cơ cấu về chuyên môn; giám sát kỹ phần đánh giá MT và giải pháp xử lý chất thải, nước thải trong các dự án đầu tư và trong các quy hoạch phát triển các ngành, nhất là các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm, kiên quyết loại bỏ các dự án không đáp ứng yêu cầu về MT; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp sản xuất có yếu tố có thể gây ô nhiễm MT để kịp thời xử lý và khắc phục; giám sát kỹ quá trình triển khai các dự án khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng để bảo đảm khai thác có hiệu quả nhưng phải hạn chế tác động xấu đến MT, về phục hồi MT và hoàn nguyên sau khai thác.

Cuối cùng là giải pháp tổ chức thực hiện, cần công bố quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch, KHSDĐ; tăng cường công tác tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, cụ thể là thực hiện nghiêm quy hoạch, KHSDĐ để công tác quy hoạch, KHSDĐ thực sự trở thành công cụ quản lý Nhà nước về đất đai; tạo và quản lý chặt chẽ quỹ đất sạch, kiểm soát giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp; có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng đầu cơ đất trong các khu công nghiệp và các sai phạm trong quản lý đất sạch…

Song song với các giải pháp đó, trong quá trình thực hiện, rất cần có sự chung tay các ngành, địa phương và người dân để quy hoạch, KHSDĐ của tỉnh có tính khả thi cao và đi vào cuộc sống.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức niêm yết công khai Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh Bình Dương và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 19- 6-2013 của Chính phủ tại trụ sở cơ quan trong suốt thời kỳ quy hoạch; chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác quy hoạch (định kỳ), thẩm định quy hoạch, KHSDĐ các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trình UBND tỉnh xét duyệt trong năm 2013, chủ động hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Quy hoạch, KHSDĐ tỉnh Bình Dương và địa phương theo đúng quy định pháp luật.

P.V (thực hiện)