Ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh: Tạo điều kiện cho ngành giáo dục đào tạo hoạt động ổn định
(BDO) Thực hiện chương trình hoạt động giám sát năm 2016, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát công tác chuẩn bị năm học 2016-2017 trên địa bàn tỉnh. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát công tác chuẩn bị năm học 2016-2017 tại các trường thuộc TX.Tân Uyên
- Thưa ông, qua đợt khảo sát ở các đơn vị, trường học, ông có những đánh giá gì về công tác chuẩn bị năm học mới của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT)?
- Thực hiện chương trình hoạt động giám sát năm 2016, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã khảo sát 23 trường mầm non, tiểu học, THCS ở các huyện, thị: Bàu Bàng, TX.Bến Cát, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên và TP.Thủ Dầu Một. Qua khảo sát và làm việc với UBND các huyện, thị, thành phố, các ngành chức năng, Sở GD-ĐT, chúng tôi nhận thấy ngành GD-ĐT đã phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị tốt mọi mặt phục vụ cho năm học mới 2016-2017.
Về tuyển sinh, năm học này toàn ngành có 383.202 học sinh (HS), tăng gần 26.000 em, chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học. Dù số HS tăng cao nhưng các trường học đã tiếp nhận và giải quyết nhu cầu học tập cho tất cả HS trong độ tuổi đến trường, không để xảy ra tình trạng trẻ không có chỗ học. Tình trạng HS tăng cao chủ yếu tập trung ở những địa bàn đang phát triển công nghiệp. Nguyên nhân do dân số cơ học tăng nhanh, cơ sở vật chất trường lớp hàng năm được tỉnh đầu tư khá lớn nhưng không đáp ứng kịp nhu cầu học tập ngày càng cao của HS. Trước tình hình đó, các địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp, trong đó chú ý ưu tiên ở những nơi có nhu cầu cao. Ngoài ra, ngành
cũng kịp thời trang cấp trang thiết bị đối với những trường xây mới, bổ sung thêm bàn ghế, thiết bị dạy học cho những trường khác, nhằm phục vụ tốt hoạt động dạy và học cho các trường. Tính đến đầu tháng 8, toàn tỉnh có thêm 19 công trình lầu hóa đã hoàn thành đưa vào sử dụng; 22 công trình lầu đang thi công, trong đó có 10 công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016.
Chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT cũng đã điều động và tuyển dụng mới viên chức - giáo viên. Đến nay, tuy vẫn còn thiếu giáo viên ở các bậc học, nhưng cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu giảng dạy thực tế ở các trường.
- Qua đợt khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhận thấy còn những khó khăn, hạn chế gì ảnh hưởng đến hoạt động GD-ĐT ở các trường, thưa ông?
- Nhiều năm qua, do dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến các trường phải tăng cường các giải pháp để giải quyết nhu cầu học tập của HS trong tỉnh như: Giảm lớp học bán trú, lớp học 2 buổi/ngày, tăng sĩ số HS ở mỗi lớp, xây dựng thêm phòng học tạm… từ đó đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, nhất là việc công nhận và tái công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. HS tăng, trường lớp tăng, dẫn đến đội ngũ giáo viên cũng tăng theo nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học. Hàng năm, ngành GD-ĐT đều tuyển mới viên chức, giáo viên, nhưng thực tế ở các cấp học vẫn còn thiếu biên chế so với nhu cầu, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy ở các trường. Về cơ sở vật chất, hàng năm cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng mới trường lớp, dịp hè các trường còn thực hiện tu sửa nhỏ, nhưng việc làm này còn thiếu chủ động, trông chờ vào nguồn xã hội hóa từ ban đại diện cha mẹ HS; phòng y tế học đường chưa đủ thông thoáng và thiếu các dụng cụ, thiết bị, nhất là bậc mầm non. Công tác đầu tư xây dựng trường học ở một vài địa phương còn thiếu đồng bộ như: Trường đã xây dựng mới và đưa vào hoạt động nhưng chưa được đầu tư thiết bị kịp thời. Việc quy hoạch chi tiết quỹ đất dành cho phát triển giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, nhất là địa bàn TX.Thuận An, TX.Dĩ An; cơ chế, chính sách của tỉnh về chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa tuy đã được ban hành nhưng việc triển khai thực hiện chậm và còn vướng về thủ tục.
- Trước những khó khăn trên, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh có những kiến nghị gì với tỉnh, giúp ngành GD-ĐT làm tốt nhiệm vụ “trồng người”, thưa ông?
- Từ những kết quả ngành GD-ĐT đã đạt được và những khó khăn, hạn chế như đã nêu trên, Ban kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành tăng cường thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Rà soát, ánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020; rà soát việc thực hiện các chính sách để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay. Chỉ đạo các chủ đầu tư có biện pháp đối với các nhà thầu thực hiện chậm tiến độ xây dựng trường học. Sớm triển khai thực hiện chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa. Ngoài ra, ngành GD-ĐT cần tăng cường kiểm tra vệ sinh trường lớp, y tế học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn, căn-tin; chấn chỉnh việc lạm thu các loại quỹ do Ban đại diện cha mẹ HS vận động…
- Xin cảm ơn ông!
H.Thái (thực hiện)